Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019
Tăng trưởng GDP năm 2019 nhiều khả năng đạt chỉ tiêu Quốc hội giao |
Báo cáo đã đưa ra dự báo năm 2019 kinh tế Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng ở mức 6,5-6,9%. Theo đó, trong kịch bản thứ nhất, tăng trưởng của nền kinh tế dự báo đạt mức thấp 6,56%, xấp xỉ mục tiêu của Quốc hội đề ra. Kịch bản này có thể xảy ra khi các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi do tác động từ sự gia tăng căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đem đến những sức ép mới khiến Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ thị trường Trung Quốc, gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.
Kịch bản thứ hai khả thi hơn với mức 6,81%, đạt mục tiêu của Quốc hội. Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra, nhờ dư địa động lực tăng trưởng của năm 2018, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất của Chính phủ, thể hiện với mức tăng trưởng tương đối cao của các ngành chính, gồm công nghiệp và dịch vụ.
Bản báo cáo cũng cho biết lạm phát cả năm 2019 được dự báo sẽ trở nên khó kiểm soát hơn và nhiều khả năng có thể lên tới 4-5%. Nếu hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến, lạm phát chỉ đạt mức 4,21%. Trong kịch bản thứ hai, lạm phát cả năm ở mức 4,79%, cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội. Nguy cơ lạm phát theo kịch bản thứ hai có thể xảy ra nếu có sự cộng hưởng từ cả sức ép lạm phát gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài.
Báo cáo này cũng lưu ý một số điểm được coi là rủi ro vĩ mô của năm 2019. Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Đó là cơ cấu nhập khẩu tập trung vào các máy móc thiết bị, linh kiện và nguyên vật liệu phục vụ cho xuất khẩu. Do vậy, cần giải quyết bài toán “phát triển các ngành phụ trợ”, “nền kinh tế gia công” và những giải pháp để vượt qua “bẫy kinh tế gia công”. Lạm phát trong năm 2019 được dự đoán sẽ trở nên khó kiểm soát hơn khi tác động của việc điều chỉnh giá năng lượng vừa qua đối với giá cả tiêu dùng mới chỉ bắt đầu, và sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng tới.
Bên cạnh đó thâm hụt ngân sách dai dẳng, tiềm ẩn nhiều rủi ro tài khóa. Hệ quả có thể sẽ phải đưa ra những sắc thuế mới hoặc tăng các sắc thuế cũ. Tăng căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đem đến những sức ép mới khiến Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ thị trường Trung Quốc.
Để đối phó với những thách thức này, báo cáo khuyến nghị trong ngắn hạn cần thay đổi tư duy thúc đẩy tăng trưởng dựa vào các nguồn lực truyền thống như tăng sản lượng khai thác tài nguyên thiên nhiên và tận dụng lao động giá rẻ sang hướng đẩy mạnh nguồn lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó tạo nền tảng chuyển đổi sang nền kinh tế số trong tương lai.
Chính phủ cần tiếp tục kiểm soát chặt chi thường xuyên, minh bạch và tránh lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công. Đối với lĩnh vực phân bổ ngân sách nhà nước, các văn bản pháp luật cần được xây dựng theo hướng đánh giá kết quả đầu ra và hiệu quả cuối cùng của chi tiêu công chứ không chỉ tập trung chủ yếu vào việc kiểm soát đầu vào và kiểm soát quy trình, thủ tục.
“Khối doanh nghiệp tư nhân, ngoại trừ một số phát triển dựa trên các quan hệ thân hữu, thì đa phần còn lại chưa thực sự lớn mạnh và còn chịu nhiều rào cản từ môi trường thể chế và kinh doanh trong nước. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh cải cách để thật sự vận hành một nhà nước kiến tạo phát triển”, báo cáo nhìn nhận.