Hải Dương: Tiếp tục triển khai lực lượng, thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác đê
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, hiện nay do ảnh hưởng lũ thượng nguồn đang tiếp tục dồn xuống hạ lưu và thủy triều thẳng giáng mạnh nên mực nước các sông khu vực hạ lưu trên địa bàn các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà và thị xã Kinh Môn tiếp tục duy trì ở mức báo động III và trên báo động III.
Báo động số III trên một số tuyến sông khu vực hạ lưu thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương (Ảnh: Quỳnh NGa) |
Theo thông tin từ Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh Hải Dương mực nước thực đo lúc 13 giờ ngày 14/9/2024 như sau: Trên sông Kinh Môn tại An Phụ là 3,13m (> báo động III (2,90m): 0,23m).
Trên sông Gùa tại Bá Nha là 2,81m (> báo động III (2,70m): 0,11m); trên sông Rạng tại Quảng Đạt là 2,90m (= báo động III (2,90m)).
Theo đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát lệnh báo động số III trên một số tuyến sông khu vực hạ lưu thuộc địa bàn tỉnh (đê cấp IV, Hữu Thái Bình, huyện Tứ Kỳ; đê khu vực Hà Đông, huyện Thanh Hà; Tả Kinh Môn, thị xã Kinh Môn) từ chiều 14/9/2024.
Đồng thời, yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, các cấp, các ngành: Căn cứ tình hình thực tế, các địa phương triển khai lực lượng, thực hiện nghiêm ngặt tuần tra canh gác đê điều và thường trực, trực ban chống lụt theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống.
Tiếp tục triển khai lực lượng, thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác đê trên các tuyến đê đảm bảo từng vị trí đê đều phải có người kiểm tra, chịu trách nhiệm; tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến đê điều, đặc biệt chú ý kiểm tra kỹ các cống dưới đê, các khu vực đê sát sông, các vị trí đê thấp cục bộ, chân đê là đầm, ao, ruộng trũng, các trọng điểm xung yếu, các kè, bờ lở, các công trình tu bổ đê điều vừa hoàn thành; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý, ứng phó với mọi tình huống, đảm bảo an toàn cho công trình đê điều.
Kiểm tra việc đóng kín các cống dưới đê. Thực hiện nghiêm quy định về đóng, mở cống dưới đê trong mùa lũ; đóng kín các mố phai qua đê, các đoạn đê bị hạ thấp đảm bảo an toàn đê điều; tổ chức cấm tất cả các phương tiện đi trên đê trong thời gian báo động lũ, trừ các phương tiện được phép đi trên đê, quản lý chặt chẽ xe chạy trên đê theo quy định; cấm hoạt động của các đò ngang; phát quang mái đê, mặt đê để đảm bảo hiệu quả công tác tuần tra canh gác đê, phát hiện các sự cố, rò rỉ, hư hỏng.
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức việc thường trực, trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với mưa lũ dẫn tới sự cố công trình không kịp thời phát hiện gây sự cố nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.