Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước
Vượt và đạt 13 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra
Theo UBND tỉnh Hải Dương, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo tỉnh trong triển khai thực hiện “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, các cấp, ngành trong tỉnh đã thực hiện quyết liệt, nỗ lực hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu và khối lượng công việc lớn.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương |
Tỉnh Hải Dương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, dự kiến vượt và đạt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra (8 chỉ tiêu vượt và 5 chỉ tiêu đạt kế hoạch; 2 chỉ tiêu không hoàn thành).
Trong đó, có 6 điểm nổi bật nhất là: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, ước tăng 10,2% (vượt mục tiêu tăng trên 9%). Hoàn thành vượt 46,7% dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024; tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là công trình giao thông trọng điểm, quan trọng kết nối liên vùng hoàn thành mở rộng không gian phát triển mới; hoàn thiện hạ tầng đô thị thị xã Kinh Môn đã được công nhận là đô thị loại III.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân các nguồn vốn đầu tư; kịp thời ban hành thực hiện nhiều chính sách về an sinh xã hội. Hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả cơn bão số 3. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định, được giữ vững.
Cũng theo UBND tỉnh Hải Dương, ngay từ đầu năm, tỉnh Hải Dương đã chủ động xây dựng các kịch bản phát triển phấn đấu ở mức cao nhất. Kết quả ước năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 10,2% (đạt mục tiêu tăng trên 10% theo kịch bản xây dựng tháng 9/2024), trong đó, giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm, thủy sản tăng 2,1%; công nghiệp - xây dựng tăng 13,1%; dịch vụ tăng 7,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,8%.
Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) đạt 212.386 tỷ đồng, tăng gấp gần 1,13 lần so với năm 2023. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng đúng hướng, tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng là 8,3% - 56,7% - 26,3% - 8,7%.
Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực
Nêu kết quả cụ thể trong từng lĩnh vực kinh tế, UBND tỉnh Hải Dương cho hay, ở lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhưng ngành nông nghiệp vẫn ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch giao. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới, phát triển. Bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2024 (giá so sánh 2010) ước đạt 22.943 tỷ đồng, đạt 99,3% kế hoạch năm và tăng 1,9% so với năm 2023. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 205,6 triệu đồng/ha (vượt mục tiêu 205 triệu đồng/ha).
Triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, sản xuất theo quy trình GAP ứng dụng công nghệ cao được duy trì và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tổng diện tích gieo cấy lúa là 107.318ha, năng suất, chất lượng được nâng cao. Sản xuất rau màu và cây ăn quả được mở rộng về diện tích, chủng loại và thị trường tiêu thụ, cho giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sản xuất cây vụ đông phát triển mạnh. Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ổn định, ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nông nghiệp. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai đồng bộ, rộng khắp, đến nay, đã có 400 sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, đến hết năm 2024, có 99 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 32 xã kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 18% (vượt mục tiêu 16,8%).
Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 387.871 tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch và tăng 14,8% so với năm 2023.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 14,2%. Một số ngành có mức tăng cao, như: Sản xuất thiết bị điện tăng 37,34%; ngành dệt tăng 25,36%; sắt, thép tăng 18,2%; chế biến thực phẩm tăng 14,6%; điện sản xuất tăng 8,9%... Bên cạnh đó, còn một số ngành gặp khó khăn do ảnh hưởng của thị trường như: lắp ráp ô tô tăng 0,9%; xi măng giảm 2,2%.
Giá trị sản xuất ngành xây dựng (giá so sánh năm 2010) ước đạt 24.371 tỷ đồng, đạt 99,4% kế hoạch năm và tăng 10,73% so với năm 2023.
Lĩnh vực dịch vụ phát triển đa dạng, tổng giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) ước đạt 54.664 tỷ đồng, đạt 101,1% kế hoạch năm và tăng 8,0% so với năm 2023, trong đó: Hoạt động thương mại duy trì sự ổn định, hàng hóa dịch vụ phong phú, đa dạng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân; giá cả các nhóm hàng hóa thiết yếu cơ bản ổn định, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và tăng giá đột biến.
Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, với các hình thức mới, hiệu quả. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 101.665 tỷ đồng, tăng 14,1%.
Hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dịch vụ của các tổ chức, cá nhân; tín dụng tiếp tục tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh và các ngành kinh tế động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; mặt bằng lãi suất giảm so với cuối năm 2023; triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh.
Đến ngày 31/12/2024, ước tổng nguồn vốn huy động đạt 211.278 tỷ đồng, tăng 8%; tổng dư nợ tín dụng đạt 148.723 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023; nợ xấu nội bảng chiếm 0,79% tổng dư nợ tín dụng.
Hoạt động xuất nhập khẩu ổn định. Ước tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 10,3 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2023; tổng kim ngạch nhập khẩu 8,3 tỷ USD, tăng 10,4%. Hoạt động vận tải, kho bãi tiếp tục phát triển, tổng doanh thu ước đạt 16.190 tỷ đồng, tăng 14,9%. Hoạt động du lịch đạt nhiều kết quả tích cực, ước đón và phục vụ trên 2,5 triệu lượt khách, tăng 41,4%; doanh thu du lịch ước đạt 1.222,6 tỷ đồng, tăng 41,9%.