Thứ năm 12/12/2024 06:33

Hải Dương: 'Điểm sáng' ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Hải Dương được coi là 'điểm sáng' về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của miền Bắc khi tiếp cận sớm và phát triển nhanh phương thức sản xuất hiện đại này.

Việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu và chất lượng. Điều này giúp nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hoạt động sản xuất tại HTX Tân Minh Đức, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương - Ảnh: Q.N

Nhận thức được điều đó, ở Hải Dương đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả. Hợp tác xã Tân Minh Đức, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương là ví dụ. Đây là mô hình điểm không chỉ của tỉnh Hải Dương mà của cả miền Bắc về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với giá trị kinh tế lớn được đánh giá là siêu lợi nhuận.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức cho biết, chúng tôi bắt đầu làm nông nghiệp công nghệ cao từ năm 2017, với quy mô ban đầu chỉ 5.000 m2. Đến nay, Hợp tác xã đã xây dựng được 15,5 ha nhà màng, nhà lưới chủ yếu trồng dưa lưới ruột xanh và dưa lưới ruột vàng, với đầu tư ban đầu khoảng 330.000 đồng/m2, 1 sào (360m2) khoảng 120 triệu đồng.

Theo đó, mỗi năm hợp tác xã đạt doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng/ha, trừ chi phí lãi ròng khoảng 1,2 tỷ đồng/ha. Năng suất trong nhà màng, 1 sào đạt 800-1.000 kg/vụ. Đến nay, sản phẩm rau, quả của Hợp tác xã Tân Minh Đức đã chính thức ký hợp đồng với hàng loạt doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ xuất nhập khẩu Oshitsu Việt Nam, Công ty TNHH Harumidori Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Bữa ăn an toàn…

Ngoài lợi ích về kinh tế, sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, nhà lưới còn góp phần bảo vệ môi trường do hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời, hạn chế những bất lợi của thời tiết, ít bị sâu bệnh, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, tạo việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt những người già, các thanh niên trẻ, giúp họ có thu nhập cao hơn, ổn định hơn.

Hợp tác xã hiện có 174 hộ nông dân, trong đó, sản xuất trong nhà màng có hơn 40 hộ. Hộ trồng ít nhất là 2.500 m2, nhiều nhất là 50.000 m2. Hợp tác xã trả công cho những người đi làm trong nhà màng với mức thấp nhất là 250.000 đồng/ngày, khoảng 7,5 triệu đồng/tháng.

"Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi mong muốn nhà nước có cơ chế hỗ trợ tích tụ ruộng đất ứng dụng công nghệ cao, đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư, do chi phí đầu tư công nghệ cao lớn" - ông Thư nói.

Tương tự, nông nghiệp công nghệ cao với thế hệ nông dân năng động, sáng tạo cũng đang “nở rộ” ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Nhờ sản xuất nông nghiệp theo phương thức này, theo mức thu nhập sau khi trừ chi phí, toàn huyện Kim Thành có khoảng 666 hộ cho thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên, 1.520 hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, 6.120 hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/hộ.

Hải Dương là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp. Tỉnh xác định đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị.

Sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho vải thiều ở khu vực trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương - Ảnh: Thành Chung

Tại các huyện của Hải Dương đã hình thành nhiều mô hình tích tụ ruộng đất tập trung, ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế. Công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị máy bay không người lái được áp dụng tại nhiều vùng sản xuất; duy trì hoạt động của trạm khí tượng thông minh iMetos tại 2 huyện Thanh Hà và Thanh Miện để dự báo thời tiết vùng, cảnh báo sâu bệnh hại trên cây trồng.

Được ví như "cái nôi" về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của miền Bắc khi tiếp cận sớm và phát triển nhanh phương thức sản xuất này, diện tích nhà màng tỉnh Hải Dương tăng đột biến từ 21,5 ha năm 2020 lên 91 ha năm 2024. Giá trị thu được từ sản xuất trong nhà màng, nhà lưới từ 1-3 tỷ đồng/ha/năm; nhiều gia đình có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm đã đưa Hải Dương trở thành tỉnh dẫn đầu toàn vùng Đồng bằng sông Hồng về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, theo thống kê, trên toàn tỉnh có khoảng 540 ha rau màu chuyên canh ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả kinh tế 10-30% và tiết kiệm khoảng 55% nước so với phương pháp tưới truyền thống; 802 trang trại chăn nuôi, trong đó có 650 cơ sở (80%) đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chăn nuôi khép kín tự động, bán tự động, có hệ thống làm mát tự động, đệm lót sinh học, nuôi an toàn sinh học,...), 122 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm...

Phát biểu tại một sự kiện về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, ông Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh, việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp là một điểm sáng và đã đem lại những kết quả đáng mừng, với các mô hình ứng dụng công nghệ số như công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh… mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Trong thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, như: Đề án: “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

Tỉnh luôn khuyến khích nông dân áp dụng các công nghệ hiện đại như tưới nhỏ giọt, nhà màng, nhà kính và các hệ thống tự động hóa để giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải và tăng năng suất cây trồng. Công nghệ này giúp tiết kiệm nước, phân bón và hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường.

Ngoài việc hỗ trợ tổ chức sản xuất thì Hải Dương đang hỗ trợ rất mạnh cho hoạt động quảng bá, đặc biệt là xây dựng thương hiệu cho những cơ sở hoặc những HTX sản xuất nông nghiệp công nghiệp cao. Hải Dương cũng xây dựng chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Điều này không chỉ đảm bảo đầu ra cho sản phẩm mà còn giúp duy trì sự bền vững trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, để hỗ trợ cho người dân, mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết số 19/2024/NQ-HĐND ngày 14/11/2024 sửa đổi Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 6/11/2023 quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Nghị quyết này được ban hành rất cần thiết và kịp thời, bởi do ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3 (Yagi) dẫn đến trên địa bàn tỉnh Hải Dương phải gánh chịu nhiều thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng của nhân dân và nhà nước. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu thiệt hại nhiều nhất, trong đó có khoảng 600.000 m2 nhà màng, nhà lưới bị thiệt hại.

Vì vậy, Nghị quyết số 19 không quy định giới hạn diện tích xây dựng nhà màng trong năm 2024 và năm 2025 trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện tăng quy mô hỗ trợ, khuyến khích được nhiều hơn người sản xuất đầu tư xây dựng mới và xây dựng lại các diện tích nhà màng để trồng rau màu, hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao, ổn định đời sống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Hải Dương

Tin cùng chuyên mục

Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ giải thể, sáp nhập những sở, ban, ngành nào?

Doanh số bán hàng đạt 7 tỷ đồng từ Hội chợ Thương mại và Du lịch miền Tây Thanh Hoá năm 2024

Đà Nẵng: Năm 2025 tập trung sắp xếp tinh gọn bộ máy, triển khai hiệu quả cơ chế đặc thù

Ông Dương Minh Dũng - Bí thư Huyện ủy Long Thành được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Lào Cai: Phát huy vai trò cực tăng trưởng, tự tin bước vào năm 2025

Đồng Tháp: Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển

Cần Thơ: Sắp diễn ra Liên hoan “Ca nhạc, ca cổ, tiểu phẩm Xuân” lần thứ XV

Đồng Tháp thực hiện nghị quyết 18, tinh giản hàng nghìn cán bộ

Ông Trần Phong được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình

Hải Dương: Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển

Top 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2024

Vĩnh Phúc: Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt khoảng 96%

Cận cảnh khu biệt thự 370 tỷ đồng bỏ hoang bên bãi biển Hà Tĩnh

Bạc Liêu: Kiến nghị kỷ luật 11 tổ chức, 32 cá nhân sau thanh tra

Vĩnh Phúc trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án FDI và 1 dự án DDI

Bạc Liêu: Đẩy mạnh tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động

Thái Nguyên tạo đột phá, thu hút các 'đại bàng' công nghệ

Quảng Nam: Nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Khởi công giai đoạn 1 dự án TTTM AEON MALL Thanh Hoá

Quảng Ninh: Hạ Long tích cực hoàn thành công tác chuẩn bị cho bầu cử