Hà Tĩnh: Tăng vốn cho khuyến công địa phương
Tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn tới của Hà Tĩnh dự kiến khoảng 62,765 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 27,11 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng, vốn huy động từ các thành phần kinh tế tham gia. Nguồn kinh phí này hỗ trợ triển khai 7 nội dung như: Đào tạo nghề; nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT); xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu…
Hỗ trợ nhiều cơ sở ứng dụng máy móc vào sản xuất |
Mục tiêu đến năm 2025, địa phương sẽ đào tạo mới, đào tạo nâng cao tay nghề cho 1.000 lao động; hỗ trợ thành lập mới khoảng 20 - 30 doanh nghiệp CNNT; hỗ trợ xây dựng 10 mô hình trình diễn kỹ thuật; 30 cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất… Đồng thời kỳ vọng lớn hơn khi đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển CNNT của tỉnh, đảm bảo giá trị sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 11,9%/năm, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến sâu, đẩy cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông - lâm - thủy sản…
Kinh phí dành cho chương trình khuyến công địa phương của tỉnh giai đoạn tới được xây dựng trên cơ sở đánh giá hiệu quả đạt được của hoạt động khuyến công giai đoạn 2016-2020. Theo đó, trong 5 năm qua, địa phương đã triển khai 109 đề án, tổng kinh phí hỗ trợ trên 23,292 tỷ đồng, trong đó kinh phí địa phương trên 12,252 tỷ đồng. Các đề án được triển khai đã giúp cơ sở sản xuất, doanh nghiệp CNNT thụ hưởng gia tăng hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, làm thay đổi nhận thức của chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về vai trò của công nghệ, môi trường, nhân lực trong kế hoạch phát triển dài hơi.
Nguồn kinh phí dành cho công tác khuyến công địa phương giai đoạn tới tăng hơn 2 lần, khẳng định hiệu quả, vai trò của công tác khuyến công đã đạt được trong giai đoạn qua; đồng thời, đặt kỳ vọng lớn cho giai đoạn mới.
Để gia tăng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đặt ra và sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương chính sách của nhà nước để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển CNNT. Vận động doanh nghiệp lớn hỗ trợ và tích cực tham gia hoạt động khuyến công. Khảo sát thực tế, nắm bắt nhu cầu của các cơ sở CNNT để trao đổi, lựa chọn, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng nội dung hoạt động hàng năm, nhằm triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao.
Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách đã ban hành, để bổ sung điều chỉnh hoàn thiện cho phù hợp yêu cầu mới; hỗ trợ nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, giảm thủ tục hành chính… Huy động các nguồn tài chính cho hoạt động, trong đó tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hàng năm, chương trình phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn hỗ trợ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn xã hội hóa tham gia vào chương trình.
Ngoài ra, tỉnh tăng cường hỗ trợ kiến thức, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cho cơ sở CNNT; hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường, giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; phối hợp với đơn vị liên quan đào tạo nghề, khôi phục nghề, tập huấn nghiệp vụ và hoạt động xúc tiến, xây dựng thương hiệu nhãn hiệu cho các cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn.
Ngoài chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ, các cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư trên địa bàn nông thôn của Hà Tĩnh còn được hưởng một số chế độ ưu đãi riêng như: Ưu tiên bố trí mặt bằng phù hợp với mục tiêu sản xuất, thu hút nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề… |