An Giang: Đảm bảo xuất nhập khẩu hàng hoá qua cửa khẩu dịp Tết diễn ra thông suốt, an toàn An Giang: Dồn dập đơn hàng xuất khẩu nông sản đầu năm |
Hạ tầng thuận lợi
An Giang là tỉnh ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một phần nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, là nơi đầu tiên dòng Mekong chảy vào địa phận Việt Nam. An Giang còn giáp với nhiều tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ và Vương quốc Campuchia. An Giang cũng là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Nhìn tổng thể, An Giang có vị trí địa lý thuận lợi để giao thương, liên kết phát triển với các trung tâm kinh tế lớn trong và ngoài nước.
Hiện nay, kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển, thương mại, dịch vụ, kết nối giao thương giữa An Giang với các tỉnh trong và ngoài vùng. Trong đó, hệ thống mạng lưới quốc lộ với tổng chiều dài hơn 153km. Bên cạnh đó, An Giang còn có 19 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài gần 528km và hệ thống đường huyện tỷ lệ nhựa hóa đạt 81,9%.
Song song đó, việc cầu Cao Lãnh và Vàm Cống đưa vào sử dụng đã tháo gỡ điểm nghẽn, đảm bảo kết nối các địa phương vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khi hoàn thành sẽ khơi thông tuyến hành lang hướng về biên giới Tây Nam và kết nối cảng nước sâu Trần Đề, tạo cơ hội tiếp cận thị trường các nước trong cộng đồng kinh tế ASEAN.
Cụm công nghiệp Lương An Trà 3. Ảnh minh hoạ |
Một lợi thế khác của tỉnh An Giang là hệ thống giao thông đường thủy nội bộ rất phát triển, đảm bảo vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất ra các điểm tập kết trên các tuyến sông, kênh chính. Hai tuyến vận tải thủy quan trọng của tỉnh là sông Tiền và sông Hậu vận tải liên vận quốc tế, liên vùng.
Trong đó, sông Hậu là trục giao thông thủy quan trọng nhất, đóng vai trò kết nối cảng Mỹ Thới với các cảng dọc sông Hậu. Ngoài ra, An Giang còn có hệ thống cảng nội địa, gồm Cảng Bình Long, Cảng nhà máy xi măng An Giang, Cảng bốc xếp hàng hoá An Giang…Nhất là cảng biển Mỹ Thới giữ vai trò tập kết hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy ra vào địa phận An Giang…
Hạ tầng điện lực của tỉnh khá ổn định. Việc cấp điện từ nguồn điện lưới quốc gia, qua các trung tâm điện lực đặt tại khu vực Đồng bằng sông Củu Long. Trong đó, nhà máy nhiệt điện Ô Môn (TP. Cần Thơ) gồm 2 tổ máy, tổng công suất 330MW/tổ, nhà máy điện khí Cà Mau 750MW/tổ. Ngoài ra, An Giang còn có nguồn cấp điện từ 4 nhà máy điện mặt trời, như: Sao Mai, Văn Giáo 1, Văn Giáo, PEN Việt Nam…
Mặt khác, trên địa bàn tỉnh hiện có 188 công trình nhà máy, trạm cấp nước tập trung, tổng công suất nước thiết kế là 186.754m3/ngày; 2 tuyế truyền dẫn viễn thông quốc tế hữu tuyến kết nối Campuchia; 29 tuyến quốc gia; 46 tuyến kết nối với các tỉnh… Đặc biệt, An Giang có nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 931.225 người, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiều lao động trong các ngành công nghiệp.
Nhiều chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn
Với mục tiêu phát triển cụm công nghiệp như một tiền đề để phát triển công nghiệp của địa phương, An Giang dành nhiều chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư. Trong đó ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết và đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.
Cùng đó, địa phương đang có chính sách ưu đãi đối với địa bàn và ngành nghề theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP, ngày 26/3/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Đại phương cũng cam kết mạnh mẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi đến đăng ký và triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. An Giang cũng sẽ nỗ lực hết mình vì một môi trường đầu tư kinh doanh năng động và hiệu quả.
Theo đó, An Giang đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Cụm công nghiệp Bình Đức mở rộng (TP. Long Xuyên); Cụm công nghiệp Vĩnh Bình mở rộng, Hòa Bình Thạnh thuộc huyện Châu Thành; Cụm công nghiệp Tân Trung mở rộng, Bình Thạnh Đông, Phú Bình, Chợ Vàm của huyện Phú Tân. Tại huyện An Phú, các cụm công nghiệp đang được mời gọi đầu tư, gồm: An Phú, Long Bình; tại huyện Tri Tôn là các cụm công nghiệp: Cô Tô, Núi Tô, Lương An Trà 2, Lương An Trà 3.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc); Cụm công nghiệp Châu Phong, Long Sơn, Vĩnh Xương, Long An (TX. Tân Châu). Các cụm công nghiệp: An Nông, An Cư, An Phú của TX. Tịnh Biên được mời gọi đầu tư. Trong khi đó, tại huyện Chợ Mới, UBND tỉnh thực hiện kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp: Hòa An, Hòa Bình, Long Giang, Nhơn Mỹ, Long Điền A của huyện Chợ Mới. Đồng thời, mời gọi đầu tư vào Cụm công nghiệp Tân Thành, Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn); Cụm công nghiệp Bình Mỹ 1, Bình Mỹ 2, Bình Mỹ 3, Mỹ Phú, Mỹ Phú 2, Mỹ Phú 3 của huyện Châu Phú.
Các lĩnh vực kêu gọi chủ yếu là đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, tùy vào tình hình thực tế của địa phương, các ngành nghề được mời gọi đầu tư, như: Chế biến nông, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, xay xát; hàng may mặc, da giày; vật liệu xây dựng, nhựa cao cấp; thủ công mỹ nghệ, hàng gia dụng, công nghiệp hỗ trợ… và các ngành nghề khác tùy theo yêu cầu phát triển của địa phương và đầu tư của các doanh nghiệp.