Khổ Điện Biên: Giữ đà tăng trưởng cho công nghiệp chế biến chế tạo Điện Biên: Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 0,85% |
Năm 2023, tỉnh Điện Biên được Bộ Công Thương phê duyệt đề án khuyến công quốc gia nhóm: “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến quả mắc ca”. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 1.015 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ cho 2 đơn vị thụ hưởng 400 triệu đồng.
Trên cơ sở nội dung đã phê duyệt, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Điện Biên (Trung tâm khuyến công) đã nhanh chóng hướng dẫn đơn vị thụ hưởng hoàn thiện hồ sơ mua sắm máy móc thiết bị tiên tiến theo đúng đề án đã đăng ký. Đồng thời theo dõi quá trình triển khai, tháo gỡ vướng mắc và nghiệm thu đề án theo đúng tiến độ đặt ra.
Nghiệm thu máy sấy đảo chiều gió trong chế biến quả Mắc ca tại Công ty TNHH MTV Phúc Sơn tỉnh Điện Biên. Ảnh TTKCĐB |
Theo đó, Trung tâm khuyến công đã chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV Phúc Sơn tổ chức triển khai và nghiệm thu một phần I đề án “Hỗ trợ ứng dụng 1 máy sấy (hong) đảo chiều gió”; phối hợp với Công ty TNHH MTV Đại Phú hỗ trợ và tổ chức nghiệm thu phần II “Hỗ trợ ứng dụng Máy sấy 24 khay (khay Inox lưới)”.
Về hiệu quả của đề án đã triển khai, theo ông Dương Minh Huấn - Giám đốc Công ty TNHH Đại Phú, lợi nhuận mà máy sấy 24 khay inox lưới, công nghệ khí nóng đối lưu tăng nhiệt chủ động chiếm khoảng 30% trong cơ cấu lợi nhuận. Vì vậy khi được hỗ trợ máy sấy 24 khay inox lưới thì một năm lợi nhuận của máy mang lại cho cơ sở là khoảng 153 triệu đồng/năm.
Nhấn mạnh về yếu tố chất lượng của sản phẩm sau khi ứng dụng thiết bị tiên tiến, đại diện Công ty TNHH MTV Phúc Sơn cho rằng, ứng dụng máy sấy (hong) đảo chiều gió giúp kiểm soát được độ ẩm của hạt mắc ca, bảo quản được lâu dài, chất lượng dinh dưỡng được đảm bảo, chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến hạt mắc ca thành phẩm, tránh hạt bị giảm chất lượng hoặc mất mùa sau thu hoạch.
Mắc ca được kỳ vọng là cây trồng tiềm năng, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp bà con nông dân, nhất là bà con là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
Từ năm 2018 đến nay tỉnh Điện Biên đã cấp chủ trương đầu tư cho 13 dự án trồng cây mắc ca của 11 doanh nghiệp với quy mô thực hiện trồng 85.815 ha.
Với đặc thù sản phẩm hạt mắc ca sau thu hoạch nếu không kịp thời sơ chế và tách ẩm bảo quản đúng cách sản phẩm sẽ mất dần giá trị dinh dưỡng theo thời gian. Nghiêm trọng hơn, sản phẩm có thể bị loại bỏ ngay khi không được sơ chế qua hệ thống máy tách ẩm trong thời gian mới thu hoạch.
Trong bối cảnh đó, đề án khuyến công nhóm được triển khai đúng thời điểm, giúp các cơ sở sản xuất đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả trong chế biến quả mắc ca. Từ đó nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng, tạo ra được nhiều sản phẩm đa dạng giúp doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Đề án còn tạo chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và người dân trồng, giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển cây mắc ca trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương, định hướng phát triển sản phẩm thế mạnh của tỉnh Điện Biên.
Bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ cho các hộ dân trồng mắc ca đầu tư thiết bị máy móc gia tăng năng lực chế biến và giá trị sản phẩm, trong thời gian tới, Trung tâm khuyến công còn triển khai nhiều hoạt động nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả từ các hoạt động khuyến công.
Trong đó, Trung tâm khuyến công tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến công, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh, mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, tích cực hỗ trợ trong các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn, giúp các cơ sở tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng và phát triển thị trường, tạo chuỗi cung ứng ổn định.