Hà Nội: Tiếp tục cải thiện chỉ số SIPAS
Vẫn còn hạn chế
Theo kết quả Bộ Nội vụ khảo sát, mặc dù Hà Nội có kết quả thuộc nhóm các tỉnh có chỉ số bền vững cao nhất kể từ khi đánh giá (năm 2017), tăng 19 bậc so với năm 2019 và 5/5 tiêu chí đều cao hơn năm 2019, tuy nhiên, một số tiêu chí, tiêu chí thành phần còn thấp hơn mức trung bình cả nước, như: Tiếp cận dịch vụ; công chức; kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đáng chú ý, Tiêu chí tiếp nhận, xử lý các góp ý, phản ánh kiến nghị của người dân, tổ chức và lĩnh vực tài nguyên - môi trường có chỉ số hài lòng thấp nhất.
Cán bộ hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa quận Hai Bà Trưng |
Nguyên nhân là do trong quá trình thực hiện Kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số SIPAS của thành phố năm 2020, một số cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện chưa chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiệm vụ được giao, còn nhiệm vụ không hoàn thành hoặc chuyển tiếp sang năm 2021. Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Một số cơ quan, đơn vị qua kiểm tra còn công khai thủ tục hành chính không đúng quy định; hệ thống trang thiết bị hỗ trợ người dân, tổ chức tại Bộ phận một cửa hoạt động chưa tốt, nơi tiếp đón bố trí chưa khoa học…
Bên cạnh đó, một số thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng chưa có quy chế phối hợp liên thông khiến người dân, tổ chức, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian, công sức, chi phí. Một số cán bộ, công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, có thái độ giao tiếp, ứng xử chưa đúng mực, gây bức xúc đối với công dân…
Phải thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Theo TS. Võ Hải Long - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, để tiếp tục nâng cao độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, Hà Nội cần tiếp tục nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó, cần tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước.
Cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính |
Một vấn đề được TS. Võ Hải Long nhấn mạnh, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi nhũng nhiễu tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Thành phố cần tăng cường cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, bảo đảm cán bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là những người có năng lực, am hiểu pháp luật, có kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống.
Để tăng cường các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS năm 2021 và các năm tiếp theo, ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, trên cơ sở báo cáo phân tích kết quả Chỉ số SIPAS năm 2020, nghiên cứu, đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót; tập trung hoàn thành các nhiệm vụ tại các kế hoạch của UBND thành phố về nâng cao Chỉ số SIPAS năm 2021 và giai đoạn 2021-2026. Các đơn vị chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định của Chính phủ. Song song với đó, nâng cao số lượng thủ tục hành chính liên thông; không để xảy ra tình trạng quá hạn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính; duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã.
Các đơn vị phải tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ hành chính tại các cơ quan, đơn vị; tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp thông qua phương tiện thông tin đại chúng, mở rộng các kênh để người dân, doanh nghiệp giám sát hoạt động tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính…
Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký quyết định số 3829/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ Công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính cấp tỉnh và Chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ công của TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nhiệm vụ của Tổ Công tác là chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu chủ tịch UBND thành phố các giải pháp, triển khai nhiệm vụ nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính cấp tỉnh và Chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ công của TP. Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Đối với nhiệm vụ tự chấm điểm Chỉ số Cải cách hành chính hàng năm của thành phố, các thành viên Tổ Công tác có trách nhiệm đề xuất các giải pháp cải thiện, nâng cao điểm số do sở, ngành mình trực tiếp phụ trách, tham mưu. Đồng thời, có trách nhiệm giải trình, cung cấp tài liệu kiểm chứng khi Hội đồng thẩm định chấm điểm Chỉ số Cải cách hành chính của trung ương yêu cầu.
Những nỗ lực trong quan tâm, chỉ đạo về công tác cải cách hành chính của Hà Nội sẽ góp phần cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công, nâng cao năng lực cạnh tranh; cải thiện, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của Hà Nội.
UBND TP. Hà Nội đề nghị các cơ quan, đơn vị thông tin đầy đủ, kịp thời đến cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị, làm rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế; cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị để triển khai có hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng cung ứng dịch vụ công, góp phần nâng cao Chỉ số SIPAS đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị năm 2021 và những năm tiếp theo. |