Nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông
Tại tỉnh Tuyên Quang, các cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh và các địa phương đã quyết liệt, nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo tình hình trật tự ATGT, kiềm chế tai nạn giao thông.
Trong quý I/2024, toàn tỉnh xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 32 người, so với cùng kỳ quý I/ 2023 giảm 8 vụ, tăng 3 người chết, giảm 5 người bị thương.
Các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đường thuỷ nội địa, tập trung vào các đối tượng là chủ kinh doanh nhà hàng nổi, các bến đò ngang, các hộ dân sinh sống và hoạt động trên sông. |
Trong tháng 4, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 1.744 trường hợp vi phạm, tạm giữ 1.025 bộ giấy tờ, tạm giữ 481 phương tiện, phạt tiền 1.466 trường hợp, tổng số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính khoảng 2,85 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, chở hàng quá tải trọng, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe… Lực lượng công an cũng trực tiếp tuyên truyền cho trên 10.383 lượt người tham gia giao thông, tuyên truyền qua công tác xử lý vi phạm hành chính và giải quyết tai nạn giao thông cho 10.658 người.
Thiếu tá Phạm Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, để giảm thiểu tai nạn giao thông, nhất là trong dịp nghỉ lễ, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát trên các tuyến có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn như Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C,... kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như: Vi phạm quy định về tốc độ, nồng độ cồn, tránh vượt không đúng quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; không có thiết bị cứu sinh cho hành khách trên phương tiện thủy; phương tiện chở quá tải, chở quá số người quy định…
Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang đã chỉ đạo lực lượng thanh tra kiểm soát tải trọng xe và công tác quản lý hành lang đường bộ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra quản lý hoạt động vận tải, điều kiện kinh doanh vận tải, xử lý vi phạm từ thiết bị giám sát hành trình, kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Khắc Sơn, Trưởng Bến xe khách TP. Tuyên Quang cho biết: Ban quản lý bến tập trung thực hiện tốt kế hoạch vận chuyển nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cao trong dịp nghỉ lễ của nhân dân được thuận tiện, an toàn, không để xảy ra tình trạng tăng giá cước vận tải hành khách.
Đối với các hoạt động tại các bến bãi, phương tiện vận tải, Chánh thanh tra, Sở Giao thông vận tải, ông Nguyễn Ngọc Huân nhấn mạnh, thời gian tới sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến khách ngang sông trái phép, các phương tiện chở khách không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp. Cùng với đó, giám sát chặt chẽ công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống biển báo hiệu đường bộ, thiết bị phụ trợ; thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại công trình đang thi công, khai thác, quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông đường bộ.
Hướng tới xây dựng văn hóa giao thông toàn diện
Xác định được tầm quan trọng của xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông, việc xây dựng văn hóa giao thông đã được tỉnh Tuyên Quang xem là biện pháp căn cơ nhất nhằm kiềm chế tai nạn giao thông. Khi văn hóa giao thông được nâng lên thì những hành vi sai trái sẽ bị lên án, tẩy chay, tạo hiệu ứng sâu rộng trong cộng đồng khiến mọi người tuân thủ các quy tắc ứng xử chung khi tham gia giao thông.
Thời gian qua, Công an TP. Tuyên Quang đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao văn hóa giao thông góp phần hạn chế tai nạn, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân khi tham gia giao thông. Ngoài việc tổ chức các đợt tuần tra kiểm soát, xử lý người vi phạm, công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông luôn được Đội đặc biệt chú trọng thực hiện.
Vấn đề nâng cao ý thức bảo đảm an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong nhà trường thời gian qua đã được nhiều đơn vị, trường học tại Tuyên Quang đẩy mạnh. |
Để hạn chế tai nạn giao thông Ban ATGT Tuyên Quang đang tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trọng tâm tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình, trên nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Youtube, Fanpage...) xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”, “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện”, “Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô”...
Trong giai đoạn 2009 - 2023, TP. Tuyên Quang đã tổ chức 413 buổi tuyên truyền với trên 246 nghìn lượt người nghe; phát 30 nghìn tờ rơi tuyên truyền, vận động ký cam kết về trật tự an toàn giao thông cho trên 5 nghìn lượt người; phát hiện và xử lý gần 139.700 trường hợp vi phạm...
Ngoài ra, vấn đề nâng cao ý thức bảo đảm an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong nhà trường thời gian qua đã được nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn đẩy mạnh. Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tuyên Quang: Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Công an đã phối hợp tuyên truyền về luật giao thông đường bộ và hướng dẫn kỹ năng lái xe, xử lý tình huống cho gần 9.000 học sinh các cấp.
Qua đó, tích cực tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông bằng nhiều hình thức khác nhau và đã có không ít các mô hình tuyên truyền hay, hiệu quả được triển khai, từ đó từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh…
Có thể thấy, thời gian qua tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Tuy nhiên, để tạo dựng văn hóa giao thông không thể trong ngày một, ngày hai mà cần sự kiên trì từ cơ quan quản lý cũng như chính người dân. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người tham gia giao thông, việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm cũng là giải pháp cần được tăng cường hơn nữa.
Trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đề nghị các các địa phương, bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện tốt các kết luận, chỉ thị của Trung ương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chính sách về an toàn giao thông; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.