Bài 1: Thực trạng các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ gây ô nhiễm môi trường Hà Nội: Chủ động phòng ngừa, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường |
Thiếu quy hoạch đồng bộ từ đầu, thiếu sự giám sát của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, khiến hàng trăm cơ sở chế tác đá mỹ nghệ trên địa bàn các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) phát triển tự phát, dẫn đến quá tải hệ thống nước thải, bụi đá, tiếng ồn gây bức xúc trong Nhân dân. Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Thanh Hóa ngày càng khó giải quyết.
Nhiều cụm công nghiệp chậm tiến độ
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa và UBND các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc đã và đang triển khai các giải pháp. Trong đó, di chuyển các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ, thu gom nguồn nước thải từ các cơ sở chế tác đá vào cụm công nghiệp (CCN) là một giải pháp được tính đến. Tuy nhiên, hiện nay đa phần các CCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều chậm tiến độ, trong đó có CCN của huyện Hà Trung và huyện Vĩnh Lộc.
Sau 5 lần gia hạn, hiện dự án CCN Vĩnh Minh (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) vẫn chậm tiến độ (Ảnh XC) |
Tại huyện Vĩnh Lộc, để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại làng nghề, khu chế tác đá tại huyện Vĩnh Lộc, vào năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định thành lập CCN Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc. Theo đó, CCN Vĩnh Minh được xây dựng tại xã Vĩnh Minh (nay là Minh Tân), huyện Vĩnh Lộc, có diện tích khoảng 30 ha, với các ngành nghề hoạt động: Sản xuất, chế tác, trưng bày sản phẩm tiểu thủ công nghiệp nghề đá, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí và các ngành nghề khác có liên quan. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Vĩnh Minh là Công ty TNHH BNB Hà Nội, với tổng mức đầu tư khoảng 205 tỷ đồng.
Theo phê duyệt của UBND tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 1 thực hiện với diện tích khoảng 12,7 ha, thời gian hoàn thành xây dựng vào quý II/2023; giai đoạn 2 thực hiện với phần diện tích còn lại khoảng 17,3 ha (trong đó khoảng 9,2 ha là đất công nghiệp hiện trạng). Thi công xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng quý I/2024.
Tuy nhiên, sau 5 lần gia hạn, hiện dự án xây dựng CCN Vĩnh Minh vẫn chậm tiến độ, mặc dù chính quyền huyện Vĩnh Lộc đã nhiều lần có văn bản, cũng như làm việc với chủ đầu tư để đốc thúc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án. Hiện chủ đầu tư đang tiếp tục có văn bản xin Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho gia hạn tiến độ thực hiện dự án CCN Vĩnh Minh.
Do thiếu sự giám sát, quản lý của chính quyền địa phương khiến nhiều cơ sở chế tác đá ở huyện Hà Trung và huyện Vĩnh Lộc mọc lên tự phát, gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh XC) |
Không chỉ chậm tiến đó, chủ đầu tư CCN Vĩnh Minh còn để các hộ dân tự ý đổ vật liệu thải san lấp mặt bằng (các loại vật liệu này không đảm bảo theo thiết kế được phê duyệt để san lấp nền) dẫn đến ách tắc hệ thống mương thoát nước chảy xuống xã Hà Lĩnh (huyện Hà Trung) và xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Lộc), gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước, gây ngập úng, sản xuất nông nghiệp của người dân. Hiện mặt bằng CCN Vĩnh Minh trở thành “bãi thải” cho hàng trăm cơ sở sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ tại các xã Vĩnh Thịnh, Minh Tân. Có hàng nghìn m3 đá thải, bùn đá từ hoạt động sản xuất chế tác được các cơ sở cho xe vận chuyển ra đổ vào CCN để “san lấp mặt bằng”.
Còn trên địa bàn huyện Hà Trung (Thanh Hóa), được quy hoạch 2 CCN Hà Long 1 và Hà Lĩnh 2. Trong đó, CCN Hà Long I được hình thành trên diện tích khoảng 74,8 ha, tại địa bàn xã Hà Long, huyện Hà Trung. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 500 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng hạ tầng trong phạm vi khu đất xin thuê đất đợt 1 khoảng 30 ha. Từ quý 3/2021 đến quý 4/2022: Hoàn thành các thủ tục đầu tư, xây dựng, môi trường triển khai xây dựng khu điều hành quản lý CCN, xây dựng đường giao thông nội bộ, vỉa hè, hệ thống cấp nước, thoát nước, cây xanh, hệ thống thu gom rác thải và xử lý nước thải. Đến quý 4/2022 bắt đầu tiếp nhận các nhà đầu tư thứ cấp vào thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh trong CCN.
Giai đoạn 2 sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng trong phạm vi khu đất xin thuê đất đợt 2 khoảng 44 ha còn lại của dự án. Đến quý 2/2024 bắt đầu tiếp nhận các nhà đầu tư thứ cấp vào thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh trong CCN.
Đối với CCN Hà Lĩnh 2, được xây dựng trên diện tích khoảng 30 ha với ngành nghề hoạt động như chế tác đá mỹ nghệ; sản xuất vật liệu xây dựng; may mặc, sản xuất cơ khí chế tạo; chế biến thực phẩm; chế biến lâm sản; sản xuất đồ mộc dân dụng; chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và các ngành nghề khác có liên quan. Dự án có tổng mức vốn đầu tư khoảng 239,5 tỷ đồng, gồm 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 sẽ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN với diện tích 16,0 ha đất mới và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp vào CCN.
Đến giai đoạn 2, sau khi được cấp phép xây dựng giai đoạn 1 sẽ tiến hành đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN giai đoạn 2 với diện tích 14,0 ha đất mới và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp vào cụm. Năm 2020- 2021 thu hút nhà đầu tư lấp đầy khoảng 50%, đến năm 2023 lấp đầy 100%.
Tuy nhiên, đến nay các CCN của huyện Hà Trung đang bị chậm tiến độ, chưa đạt được kết quả như kỳ vọng ban đầu. Ông Đặng Văn Thiện, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hà Trung thừa nhận: “Các cụm công nghiệp chưa hoàn thiện nên vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế tác đá vẫn còn nhức nhối”.
Hàng loạt các cơ sở chế tác đá ở huyện Hà Trung mọc lên tự phát. |
Trong khi đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc và giao UBND các huyện làm việc với chủ đầu tư để làm rõ nguyên nhân và có hướng xử lý dứt điểm.
Gom nguồn nước thải và đưa các cơ sở chế tác mỹ nghệ vào cụm công nghiệp
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ tại huyện Hà Trung và Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) đều có mong muốn, kiến nghị UBND huyện sớm đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các CCN vào hoạt động, giúp các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ không chỉ hoạt động hiệu quả hơn, mà còn giảm thiểu cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Văn Tài, Chủ cơ sở chế tác đá mỹ nghệ Đức Tài, xã Hà Lĩnh (Hà Trung, Thanh Hóa) mong muốn: “Đa phần các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ ở đây đều phát triển tự phát, tận dụng quỹ đất eo hẹp của gia đình để mưu sinh, nên vấn đề ô nhiễm môi trường là điều khó tránh khỏi. Quá trình chế tác đá, nước thải, bụi đá, rồi cả tiếng ồn đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân xung quanh. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, sớm đưa các cơ sở chế tác đá vào CCN để sản xuất hiệu quả hơn và đặc biệt là giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường”.
Còn ông Ngô Quốc Trung, Chủ cơ sở chế tác đá Quốc Trung, địa chỉ xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc chia sẻ: "Xưởng chế tác đá của gia đình tôi hoạt động nhiều năm nay đã ổn định. Tôi mong muốn chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ CCN để nguồn nước thải của các cơ sở chế tác đá nhập vào Khu xử lý nước thải của CCN, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay".
Các cơ sở chế tác đá trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc và huyện Hà Trung mong muốn chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án các CCN để thu gom nước thải và di chuyển các cơ sở chế tác đá về CCN, giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay. (Ảnh XC) |
Ông Lê Văn Huy, Chủ một cơ sở đá mỹ nghệ ở xã Minh Tân (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Trước đây, có ít cơ sở chế tác đã mỹ nghệ nên vấn đề ô nhiễm môi trường không có gì lớn. Vài năm gần đây có thêm hàng chục cơ sở chế tác đá, nước thải thoát không kịp, bụi đá nhiều, tiếng ồn lớn cả ngày lẫn đêm gây bức xúc trong Nhân dân là điều dễ hiểu. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện hệ thống tiêu thoát nước, các cơ sở làm bể lắng, nước ra sẽ đảm bảo môi trường hơn.
Có thể thấy, thực trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ ở các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) là điều ai cũng nhìn thấy. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ, UBND các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung đang triển khai các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm giải dứt điểm ô nhiễm môi trường, giúp các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ đẩy mạnh sản xuất tạo ra nhiều việc làm; trả lại môi trường trong lành cho người dân địa phương.
Bài 3: Nỗ lực của chính quyền địa phương khắc phục ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chế tác đá