Điện Biên Phủ Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ Chiêm ngưỡng những hiện vật lịch sử đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ |
Mở ra trang sử mới cho lịch sử nhân loại
Sáng 11/4, tại tỉnh Điện Biên diễn ra hội thảo khoa học cấp quốc gia, chủ đề "Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Hội thảo do Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Điện Biên tổ chức.
Dự hội thảo còn có hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố và trong toàn quân.
Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam khẳng định: Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng mở ra trang sử mới cho lịch sử nhân loại, cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng; đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới...
"Hội thảo là dịp để chúng ta có thêm điều kiện tiếp tục nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn về bối cảnh lịch sử, âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, can thiệp Mỹ; về tầm nhìn chiến lược sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự nhạy bén trong chỉ đạo chiến lược, chiến dịch của Tổng Quân ủy, của Đảng ủy Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp" - Đại tướng Lương Cường nêu rõ.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo. |
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của sức mạnh toàn dân đánh giặc dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
"Để giành được thắng lợi Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc, giải quyết thành công và sáng tạo nhiều vấn đề về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, điểm nổi bật là chủ động sáng tạo, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, không phát huy được ưu thế công sự kiên cố, hỏa lực mạnh, có sức cơ động cao" - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, chiến thắng Điện Biên Phủ là lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa ở châu Á chiến thắng một nước đế quốc phương Tây trong một trận quyết chiến chiến lược.
Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường nêu rõ, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và địch, trực tiếp dẫn đến việc ký kết Hiệp định Geneva chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám năm 1945; một nửa đất nước được giải phóng, tạo cơ sở và điều kiện vững chắc để đưa Nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng chủ trì Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa”. |
70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đưa Điện Biên sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo đặc biệt khó khăn, trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc...
Còn nguyên ý nghĩa và tầm vóc thời đại
Phân tích làm rõ vai trò của nhân tố chính trị tinh thần, ý chí quyết chiến quyết thắng, biết đánh và biết thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; đặc biệt, hội thảo tiếp tục khẳng định và nêu bật tầm vóc, ý nghĩa và đúc rút những kinh nghiệm, bài học lịch sử có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc qua chiến thắng Điện Biên Phủ.
Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự kế thừa và phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc và kinh nghiệm lãnh đạo chiến tranh cách mạng của Đảng.
Thảo luận tại Hội thảo, các nhà khoa học thống nhất đánh giá, những đội quân bộ binh đơn thuần của Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng, ý chí tiến công, tư tưởng đánh chắc thắng, tiến hành tập trung binh lực, lần lượt tiêu diệt các cứ điểm quan trọng của địch...
Đại biểu và nhân chứng tham dự tại hội thảo |
Các nhà khoa học cho rằng, nghệ thuật đó được thể hiện tập trung ở quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng Chiến dịch, Bí thư Đảng ủy Mặt trận.
Đây là quyết định thể hiện thiên tài quân sự, trách nhiệm của vị tướng cầm quân với đất nước, với nhân dân, với cán bộ, chiến sĩ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó.
Theo Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, với Chiến thắng Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã kết thúc oanh liệt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo cơ sở cho đấu tranh ngoại giao giành thắng lợi ở Hội nghị Geneva.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với cách mạng Việt Nam mà còn chứa đựng tầm vóc thời đại to lớn, góp phần đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giành độc lập của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu) đóng góp cho chiến dịch 2.666 tấn gạo (vượt mức 64 tấn); 226 tấn thịt (vượt mức 43 tấn); 210 tấn rau xanh; huy động được 16.972 dân công với 568.139 ngày công; 438 ngựa thồ, hàng nghìn thuyền mảng, góp 25.070 cây gỗ để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội hành quân... |