Thứ ba 26/11/2024 16:33

Hà Nội: Sức mua các ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão tại các siêu thị tăng 3 - 4 lần

Sức mua những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão tăng 3 - 4 lần so với bình thường. Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại một số siêu thị tại Hà Nội.

Nhiều người tiêu dùng lựa chọn siêu thị làm nơi mua sắm Tết

Hôm nay (13/1), tức 22 tháng Chạp và chỉ còn cách Tết Nguyên đán vài ngày, tại siêu thị Big C Thăng Long, lượng khách ra vào nườm nượp. Chị Phạm Thanh Hiền (tại Trung Kính, quận Cầu Giấy) - chia sẻ, mai là ngày 23 tháng Chạp (tức ngày ông Công, ông Táo), chúng tôi vào đây mua sắm đồ thực phẩm, hoa quả, bánh kẹo về thắm hương gia tiên.

Thực phẩm ở đây rất tươi ngon, giá cả phải chăng và luôn được các nhân viên bán hàng bổ sung vào đầy các quầy kệ. Vì vậy, dù lượng khách hàng rất đông những ngày này nhưng chúng tôi vẫn thoải mái mua sắm mà không lo lắng về nguồn cung hàng hóa.

'Ngoài đồ thắp hương ngày ông Công, ông Táo, chúng tôi cũng mua sắm luôn những mặt hàng thực phẩm cần thiết để phục vụ cho Tết Nguyên đán Quý Mão đang cận kề’, chị Phạm Thanh Hiền chia sẻ.

Người tiêu dùng mua sắm chuẩn bị cho ngày ông Công, ông Táo tại siêu thị Sài Gòn Co.op Hà Nội

Còn tại siêu thị Sài Gòn Co.op Hà Nội (tại đường Nguyễn Trãi, Hà Đông), bà Nguyễn Thu Hòa đang lựa chọn những trái xoài tươi ngon nhất để về thắp hương gia tiên ngày ông Công, ông Táo. ‘Nhà cách đây 2 cây số, nhưng tôi quen đi chợ tại siêu thị này, từ mớ rau, con cá đến các sản phẩm đồ dùng gia đình. Riêng với đồ thực phẩm, chúng tôi yên tâm vì được kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm. Mua sắm cho dịp Tết Nguyên đán, đi siêu thị Co.op Hà Nội là lựa chọn hàng đầu của tôi’, bà Nguyễn Thu Hòa cho biết.

Mang 'hương vị Tết' từ siêu thị về nhà

Đáng chú ý, bên cạnh những sản phẩm bánh kẹo nhập ngoại, những hộp mứt Tết truyền thống được bày trang trọng ở những vị trí bắt mắt, dễ thấy, dễ nhìn nhất tại siêu thị Co.op Hà Nội. Lựa chọn 3 hộp mứt Tết để thắp hương gia tiên và biếu nội ngoại hai bên, chị Ngô Thu Hồng nói vui với chúng tôi: ‘Thấy mứt Tết là thấy Tết. Năm nào chúng tôi cũng mua để thắp hương. Nó mang đến cho chúng tôi cảm giác của Tết xưa, của những ngày vẫn còn rất khó khăn’.

Quầy thay toán tại siêu thị Big C, Thăng Long trưa ngày 13/1

Trong khi người dân háo hức mua sắm cho gia đình một cái Tết đủ đầy thì về phía các siêu thị, các nhà phân phối cũng đang căng hết sức để phục vụ người tiêu dùng thời điểm cận Tết này.

Ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng Big C, GO! khu vực Hà Nội và miền Bắc - cho hay, để chuẩn bị cho Tết, đơn vị đã làm việc chặt chẽ với tất cả các nhà cung cấp để dự báo số lượng sản xuất từ quý II/2022 và dự trữ hàng từ đầu tháng 10/2022 với nguồn hàng dồi dào, tổng giá trị hàng đạt 351 tỷ, tăng 21,7% so với Tết năm 2022.

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chúng tôi mang tới người tiêu dùng tất cả các danh mục món ăn Tết, bao gồm các sản phẩm theo mùa (bánh chưng, bánh pía, lạp xưởng, chả Lụa…) và các món ăn chế biến sẵn truyền thống (xôi gấc, canh khổ qua nhồi thịt, gà luộc, nem, kho tàu…). Đồng thời, tăng cường các mặt hàng sử dụng hàng ngày như thịt lợn và thịt bò, cá, hải sản, rau và trái cây…’, ông Phong cho biết thêm.

Cũng theo ông Phong, đến thời điểm này, chúng tôi đang có một cách Tết khá thành công khi lượng tiêu dùng tại siêu thị đang tăng 20% so với năm trước. Đặc biệt, trong tuần cao điểm này, dự kiến một ngày lượng khách sẽ tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường.

‘Trước Tết khoảng 1 tháng, các mặt hàng bánh kẹo, rượu, bia là những mặt hàng được tiêu thụ rất lớn và đây tiếp tục là những mặt hàng chủ đạo giai đoạn sát Tết. Đặc biệt, trong một tuần sát Tết, các mặt hàng tươi sống như thịt, cá, rau, trái cây sẽ là những mặt hàng được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Dự báo, sức mua của các mặt hàng tươi sống sẽ tăng 5 - 7 lần so với ngày bình thường’, ông Lê Mạnh Phong khẳng định.

Cũng theo ông Lê Mạnh Phong, khâu thanh toán và bãi xe cũng được phía siêu thị tăng cường từ trước Tết. Số lượng quầy thu ngân cũng tăng gần gấp đôi so với ngày bình thường. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu mua sắm mọi lúc mọi nơi của khách hàng, kênh mua sắm trực tuyến cũng được siêu thị ưu tiên. Đến thời điểm này, đơn vị ghi nhận con số ấn tượng từ lượng khách mua hàng trực tuyến. Lượng bán hàng online đã tăng 20 - 30%.

Những giỏ quà Tết đang được nhân viên của siêu thị Sài Gòn Co.op Hà Nội chuẩn bị để đưa ra quầy, kệ

Còn theo đại diện Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Hà Nội, siêu thị đã xây dựng kế hoạch đặt hàng, dự trữ nguồn hàng cụ thể với lượng dự trữ hàng tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng chủ lực kinh doanh trong giai đoạn cao điểm Tết này là bánh kẹo, trái cây, bia, nước giải khát, mì, trà…

Cùng với việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa với giá cả ổn định, an toàn thực phẩm luôn siêu thị đặt lên hàng đầu với việc kiểm soát chặt chẽ hàng hóa ngay từ khâu đầu vào, nguồn hàng bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ…

Ngoài bán hàng trực tiếp, đơn vị tập trung đẩy mạnh và khai thác kinh doanh, đơn hàng thông qua tương tác qua mạng xã hội: zalo, fanpage... Siêu thị cũng sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá kích cầu tiêu dùng; mở thêm các quầy thanh toán; huy động tối đa lực lượng giao hàng, tăng ca nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu giao hàng của khách hàng.

Đại diện siêu thị này cũng cho biết, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết nguyên đán, siêu thị sẽ mở cửa đến hết 12h00 ngày 30 Tết (tức 21/01/2023) và dự kiến mở cửa kinh doanh ngày mùng 6 Tết (tức 27/01/2023).

Cùng với việc chuẩn bị đủ nguồn hàng, các siêu thị cũng chú trọng công tác đảm bảo về phòng chống cháy nổ và phòng cháy chữa cháy.

Hàng hóa dồi dào, đang dạng chủng loại

Ghi nhận những thông tin thực tế từ thị trường sau khi đi kiểm tra về tình hình cung ứng hàng hóa, quản lý an toàn thực phẩm, chống hàng giả, hàng nhái và phòng chống cháy nổ dịp Tết nguyên đán Quý Mão năm 2023 tại một số siêu thị, kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội với sự tham gia của Sở Công Thương Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan diễn ra ngày 13/1, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - đánh giá, lượng hàng hóa của các đơn vị phân phối khá dồi dào, đầy đủ, đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã; chất lượng thì bảo đảm, giá cả hợp lý với người tiêu dùng.

Ngày 13/1, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra về tình hình cung ứng hàng hóa, quản lý an toàn thực phẩm, chống hàng giả, hàng nhái và phòng chống cháy nổ dịp Tết nguyên đán Quý Mão năm 2023 tại một số siêu thị, kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội.

‘Ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, các doanh nghiệp phân phối cũng đưa ra rất nhiều chương trình chiết khấu, khuyến mại giảm giá từ 10 - 15% để phục vụ khách hàng. Đặc biệt theo báo cáo của các đơn vị, năm nay, lượng khách đến trực tiếp siêu thị không nhiều nhưng lượng khách online tăng trưởng 50% với những đơn hàng có giá từ 3 - 5 triệu đồng trở lên; đã phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân qua cả kênh online và offline’, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Đối với công tác bảo đảm chất lượng hàng hóa cho người dân, bà Trần Thị Phương Lan cho hay, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội; bảo đảm tất cả nguồn hàng cung cấp cho thị trường Hà Nội được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm cho người dân.

Ngoài ra, các sản phẩm đặc sản, OCOP của các địa phương năm nay cũng rất lớn, đa dạng mẫu mã chủng loại, thiết kế bao bì sản phẩm bắt mắt. Do đó Sở Công Thương Hà Nội đã liên kết 53 tỉnh, thành phố, đưa về các kênh phân phối tiêu thụ trên địa bàn TP. Hà Nội cũng như đưa vào 85 Điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP của Hà Nội và các hệ thống phân phối khác cũng thúc đẩy giúp đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử để hỗ trợ chủ thể, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

Qua đó giúp người tiêu dùng Thủ đô tiếp cận được sản phẩm đặc sản vùng miền, OCOP địa phương, mua sắm giỏ quà Tết cho gia đình mình theo ý muốn. Đồng thời giúp thành phố Hà Nội cân đối được cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Tết Nguyên đán

Tin cùng chuyên mục

Tỷ giá Yen Nhật hôm nay 26/11/2024: Đồng Yen Nhật biến động trái chiều giữa các ngân hàng thương mại

Giá heo hơi hôm nay 26/11/2024: Miền Bắc và miền Nam biến động trái chiều

Giá bạc hôm nay 26/11/2024: Áp lực bán gia tăng đẩy giá bạc giảm mạnh

Giá cà phê hôm nay 26/11/2024: Giá cà phê trong nước tiếp đà tăng mạnh

Tỷ giá USD hôm nay 26/11/2024: Đồng USD giảm khi lợi suất tăng

Giá xăng dầu hôm nay 26/11/2024: Giá dầu tiếp tục giảm 2 USD/thùng

Giá vàng hôm nay 26/11/2024: Vàng thế giới và trong nước đồng loạt giảm

Giá vàng chiều nay 25/11/2024: Vàng "quay xe" giảm nhẹ

Giá bạc tuần qua (18/11 - 22/11/2024): Đi ngang với áp lực lớn của đồng Dollar Mỹ

Giá lúa gạo hôm nay ngày 25/11: Nguồn ít gạo thơm chào giá cao, giá lúa đi ngang

Giá vàng thế giới biến động, vàng trong nước đứng yên

Giá heo hơi hôm nay 25/11/2024: Một số tỉnh miền Bắc và miền Trung - Tây Nguyên đồng loạt giảm giá

Giá bạc hôm nay 25/11/2024: Bạc chịu áp lực giảm 0,2%

Tỷ giá Yen Nhật hôm nay 25/11/2024: Đồng Yen Nhật sẽ tăng hay giảm trong tuần này?

Tỷ giá USD hôm nay 25/11/2024: Vì sao đồng USD tiếp tục tăng mạnh?

Giá xăng dầu hôm nay 25/11/2024: Dự báo bất ngờ về giá dầu trong tuần mới

Giá vàng hôm nay 25/11/2024: Dự báo bất ngờ về giá vàng trong tuần mới

Giá lúa gạo hôm nay ngày 24/11 và tổng kết tuần qua: Gạo đẹp được giá, lúa Thu Đông chào giá cao

Giá bạc hôm nay 24/11/2024: Bạc nối đà giảm do áp lực đồng USD

Giá heo hơi hôm nay 24/11/2024: Giá heo hơi duy trì ổn định ở cả ba miền