Hà Nội: Quản lý nhu cầu điện hiệu quả
Khuyến khích người dân sử dụng điện mặt trời mái nhà |
Một trong những ưu tiên hàng đầu
Quản lý nhu cầu điện là một trong những giải pháp góp phần giảm tổn thất, giảm tiêu thụ năng lượng của thiết bị mà vẫn bảo đảm nhu cầu, mục tiêu đặt ra với quá trình sản xuất. Đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của TP. Hà Nội. Những tấm pano được in màu rõ ràng và dễ hiểu về lợi ích của điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) với các thông tin cụ thể như: ĐMTMN là nguồn điện sạch, hoạt động song song với điện lưới, cung cấp điện trực tiếp cho sinh hoạt, sản xuất của hộ gia đình và doanh nghiệp, lượng điện dư thừa phát lên điện lưới được ngành điện mua toàn bộ với giá ưu đãi. Việc sử dụng ĐMTMN giúp giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện trong giờ cao điểm, giảm áp lực đầu tư nguồn và lưới điện; đồng thời, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Gia đình và doanh nghiệp có thể sinh lời từ sản lượng ĐMTMN dư phát lên lưới, giảm hóa đơn tiền điện hàng tháng…
Cùng với việc phát tờ rơi, trong năm 2019 - 2020, ngành Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của khách hàng sử dụng điện và toàn xã hội trong việc quản lý nhu cầu điện, sử dụng điện hiệu quả; từng bước chuyển từ khách hàng sử dụng điện truyền thống sang sử dụng điện thông minh, khuyến khích khách hàng tham gia đầu tư trang bị hệ thống năng lượng ĐMTMN. Thực hiện bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, các bộ phận, đơn vị quản lý, triển khai Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện. Trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu, hiệu quả khi thực hiện các Chương trình điều chỉnh phụ tải điện năm 2018 để xây dựng kế hoạch các Chương trình điều chỉnh phụ tải điện cho năm 2019, 2020. Xây dựng Đề án thí điểm pin năng lượng mặt trời cho chiếu sáng vùng nông thôn phù hợp với đặc thù, tiềm năng trên địa bàn thành phố…
Thực hiện Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 23/3/2020 của UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện trên địa bàn thành phố năm 2020, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình này, trong đó, tiếp tục nhấn mạnh đến mục tiêu đảm bảo ổn định cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả kinh tế chung của hệ thống điện gắn với phát triển bền vững ngành điện. Giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện TP. Hà Nội, góp phần giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia nhằm giảm nhu cầu về vốn đầu tư trong xây dựng mới, mở rộng hệ thống điện, góp phần khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng và phát triển bền vững…
Cùng với hoạt động tuyên truyền, để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm, hợp lý, ngay từ đầu năm 2020, Hà Nội đã tổ chức phát động phong trào hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn trong Chiến dịch Giờ Trái đất; tuyên truyền sử dụng thay thế bóng đèn sợi đốt bằng đèn LED… Hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất, thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu với nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục phong phú. Chiến dịch Giờ Trái đất TP. Hà Nội đã góp phần vào lượng điện tiết kiệm trong 1 giờ tắt đèn của cả nước là 1.962.000kWh điện, tiết kiệm được 3.246,5 triệu đồng.
Thành phố cũng ưu tiên phát triển mô hình sử dụng năng lượng xanh cho các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong công nghiệp và công trình xây dựng theo tiêu chí của thành phố. Đối với phong trào Hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, đã tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền về kỹ năng lựa chọn, sử dụng trang thiết bị tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng cho các hộ gia đình. Đồng thời, công nhận hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tiêu biểu của các quận, huyện, thị xã…
Giảm áp lực đầu tư nguồn và lưới điện |
Thay đổi nhận thức, thói quen của doanh nghiệp và người tiêu dùng
Trên thế giới, tại một số nước như Mỹ, Canada, Ba Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Thái Lan…, Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện được đặc biệt chú trọng và khuyến khích, thu được những thành tựu rất đáng khích lệ. Chương trình Quốc gia về quản lý nhu cầu điện được triển khai từ nhiều năm nay đã mang lại một số kết quả đối với sự phát triển của ngành điện Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Theo đó, cải thiện biểu đồ phụ tải ngày đêm; hệ thống đèn chiếu sáng đường sá, các hộ gia đình, công sở, nhà hàng…, hầu hết được sử dụng loại đèn LED tiết kiệm điện; thực hiện kiểm toán năng lượng, dán nhãn cho các thiết bị, phương tiện sử dụng điện…
Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra, đã tuyên truyền các quy định của pháp luật, quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố, hướng dẫn cơ sở khắc phục tồn tại và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường kiểm soát, quản lý các dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường.
Với dân số hơn 10 triệu người thường xuyên sinh sống, làm việc, mỗi ngày, nhu cầu tiêu thụ điện của TP. Hà Nội rất lớn. Vì vậy, việc bảo đảm ổn định cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng… là nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị, sở, ngành liên quan. Bên cạnh từng bước mở rộng đối tượng khách hàng tham gia Chương trình Quốc gia về quản lý nhu cầu điện, ngành Công Thương thành phố sẽ tiếp tục khuyến khích, tuyên truyền tới người dân việc tiết kiệm điện và sử dụng các nguồn năng lượng sạch, phối hợp các đơn vị nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn.
Cùng với sự nỗ lực từ cơ quan chức năng, việc chung tay hành động của các hộ gia đình, công dân Thủ đô, trường học, cơ sở sử dụng năng lượng và hộ dịch vụ thương mại có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý nhu cầu điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững.
UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 209/KH-UBND thực hiện Chương trình Quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 - 2020, với mục tiêu cụ thể cắt giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia (so với dự báo nhu cầu phụ tải điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia) khoảng 300MW năm 2020; 1.000MW năm 2025 và 2.000MW năm 2030 thông qua triển khai thực hiện các đề án về quản lý nhu cầu điện. |