Hà Nội: Món ăn ngày Tết Đoan Ngọ hút khách, tiểu thương “hốt bạc”
Theo quan niệm dân gian, vào ngày Tết Đoan Ngọ (ngày 5/5 âm lịch) hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, sáng sớm ngay khi thức dậy người dân sẽ làm lễ cúng với mong muốn tiêu diệt các loài sâu bọ gây hại cho cây trồng và cầu mong một vụ mùa bội thu, cũng như tiêu diệt những loài gây bệnh cho con người, vật nuôi.
Đồ cúng thường là các loại hoa quả đặc trưng như mận, vải, hay bánh tro... Chính vì vậy, những mặt hàng này vào dịp Tết Đoan Ngọ giá thường biến động tăng hơn so với ngày thường.
Trong dịp Tết Đoan Ngọ, nhiều tiểu thương có thể bán được vài tạ mận/ngày do lượng khách mua cao. |
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại một số chợ dân sinh, đã có khá đông người mua hoa, quả về thắp hương Tết Đoan Ngọ. Loại trái cây được nhiều người mua nhất là vải thiều, mận hậu.
Tại chợ Thành Công (Đống Đa, Hà Nội), vải thiều loại quả to đẹp, chín đều quả có giá bán lên đến 80.000 - 90.000 đồng/kg. |
Cụ thể, tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) mận hậu vài ngày trước, giá chỉ dao động từ 50.000 – 65.000 đồng/kg loại ngon, đến ngày 9/6, tại nhiều nơi đã bán lên 70.000 – 95.000 đồng/kg (tăng từ 20.000 – 30.000 đồng/kg).
Bên cạnh mận, vải thiều cũng là mặt hàng được nhiều người mua trong ngày này. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, vải năm nay mất mùa, giá vì vậy mà cũng tăng lên đáng kể so với mọi năm.
Cụ thể, vải thiều loại quả to đẹp, chín đều quả có giá bán lên đến 80.000 - 90.000 đồng/kg, tăng từ 20.000 - 40.000 đồng/kg. Các loại vải quả nhỏ, chín không đều cũng có giá thấp nhất là 50.000 đồng/kg, tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Mỗi hộp 1kg rượu nếp cái được bán với giá dao động từ 50.000 -60.000 đối với rượu cái thường; 80.000 – 100.000 ngàn đối với rượu nếp cẩm |
Chị Lê Thạch Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, ngày diệt sâu bọ không thể thiếu mận, vải, rượu nếp vì thế sáng nay chị đã mua mận và vải chuẩn bị cúng vào ngày mai.
“Dù giá có cao lên thì vẫn tôi phải mua thôi vì đây là mặt hàng không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Đối với ngày này mà thiếu mận, thiếu vải thì còn gì ý nghĩa nữa”, chị Thảo nói thêm.
Không chỉ mận hậu, vải thiều mà rượu nếp cái cũng là một trong những mặt hàng giúp tiểu thương “hốt bạc” dịp Tết Đoan Ngọ, loại thường được sử dụng là nếp cái thường và nếp cẩm.
Gian hàng của chị Thu Hiền ở chợ Nghĩa Tân hôm nay chuẩn bị 2 tạ nếp cái và nếp cẩm để bán cho người dân mua về cúng Tết Đoan Ngọ. |
Ghi nhận tại chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm, Hà Nội), sáng sớm 9/6, có khoảng 30 người bán rượu nếp, nhưng chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ đã hết veo. Khách hàng nườm nượp kéo đến, chen chân mua. Rượu nếp được chia thành 0,5 - 1kg/ túi. Giá rượu nếp phục vụ cho người dân ở mỗi chợ, mỗi khu vực ở Hà Nội không có một giá chung nhất định. Tuy nhiên, thường sẽ dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/ 1kg với rượu nếp cái thường và 80.000 - 100.000 đồng/kg với loại nếp cẩm.
"Rượu nếp cẩm thường được khách chọn mua nhiều hơn vì có màu đẹp và độ say nhẹ hơn so với rượu nếp trắng. Mỗi dịp Tết Đoan Ngọ thì nhà tôi thường bán được khoảng 5 tạ rượu nếp các loại bao gồm cả bán buôn ”, chị Lê Thu Hương, một người bán rượu nếp cái tại khu chợ Nghĩa Tân cho biết.
Giá một cốc rượu nếp dao động ở mức 15.000-25.000 đồng, tùy loại cốc to hay cốc nhỏ, nếp cái hoa vàng hay nếp cẩm. So với mọi năm, giá thành cơm rượu nếp không có nhiều biến động. |
Tại chợ Thành Công (Đống Đa, Hà Nội), chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, anh Lã Quốc Hùng cho hay: “Tết Đoan Ngọ năm ngoái nhà tôi làm 2 tạ gạo cả nếp cẩm lẫn nếp cái hoa vàng, bán đến ngày thứ 2 đã hết sạch hàng. Hết sớm đúng vào ngày chính (tức 5/5 âm lịch) nên cũng tiếc nhưng đành chịu. Rút kinh nghiệm, năm nay nhà tôi làm tăng lên 3 tạ”.
Theo anh Hùng, năm ngoái giá mua vào của gạo nếp cẩm rẻ hơn nên khi thành phẩm rượu nếp cẩm bán ra cũng có lãi hơn so với năm nay. Với 2 tạ gạo, trong hai ngày anh chị lời gần chục triệu đồng.
Ngoài cơm rượu nếp, bánh tro (hay gọi là bánh ú tro, bánh gio) cũng hút khách mua vì tính mát, có tác dụng giải nhiệt cơ thể trong tiết trời oi bức. |
“Sáng sớm tôi mang đi 60kg nhưng hết sạch và giờ đang chờ người nhà chở thêm ra để bán” – bà Lê Thị Thanh Nhàn, một người bán rượu nếp cái tại chợ Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết. Làm một phép nhẩm tính, tính cả vốn, bà Nhàn đã thu về hơn 4 triệu đồng chỉ trong 2 giờ đồng hồ.
Ngoài cơm rượu nếp, bánh tro (hay gọi là bánh ú tro, bánh gio) cũng hút khách mua vì tính mát, vị nhạt, ăn kèm với đường hoặc mật, có tác dụng giải nhiệt cơ thể trong tiết trời oi bức. Bánh tro được gói theo nhiều hình dáng khác nhau, từ vuông, dài cho đến hình chóp, giá 5.000 - 10.000 đồng/chiếc.