Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương, diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Theo quan niệm của nhiều người, đây là ngày Tết quan trọng thứ 2 trong năm, chỉ sau Tết Nguyên Đán.
Tại khu vực phía Nam, bánh ú, rượu nếp, vịt quay… là những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Vì thế, từ sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều người dân tại TP. Hồ Chí Minh đã ùn ùn kéo nhau đi mua những đồ ăn này.
Những ngày này, khu vực đường Phạm Thế Hiển (quận 8) tấp nập cảnh làm bánh ú để bán trong dịp Tết Đoan Ngọ. |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, dọc đường Phạm Thế Hiển (quận 8) hình ảnh những chiếc nồi bánh ú khổng lồ nghi ngút khói. Khu vực này được coi là xóm làm bánh ú nổi tiếng nhất TP. Hồ Chí Minh.
Chị Thanh Tuyền, ngụ tại phường Tân Hưng, quận 7 là khách mua bánh cũng cho biết, năm nào chị cũng ghé khu vực này, phần vì ngon, phần vì ở đây luôn có những mẻ bánh mới ra lò.
Chị Hồng Diễm (Lò bánh Thu, đường Phạm Thế Hiển, quận 8) chia sẻ, năm nay giá bánh có phần nhỉnh hơn so với mọi năm, "Do người ta thông báo các nguyên vật liệu đều tăng, ngay cả lá tre dùng để gói bánh cũng lên giá nhẹ nên buộc giá bánh cũng phải tăng theo. Hiện tại, nhà tôi đang bán các bánh lớn nhỏ khác nhau, dao động từ 50.000 đồng/chục đến 120.000 đồng/chục.”
Chị Diễm cũng chia sẻ, những ngày này các hộ làm bánh ở trong xóm luôn ở mức quá tải, nhiều nhà còn không dám nhận thêm đơn hàng vì không kịp gói.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các khu chợ và cửa hàng bánh truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, giá bánh ú nước tro năm 2024 dao động từ 40.000 - 120.000 đồng/chục, tùy thuộc vào loại bánh và kích thước.
Ngoài bánh ú, ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5, nhiều người bày mâm cúng bàn thờ gia tiên không thể thiếu món gà, vịt quay. Vì vậy, những tiệm thịt quay nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh đông nghịt khách từ sớm.
Theo ghi nhận, tại một số tiệm vịt quay nổi tiếng như những tiệm thịt quay trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị (quận 5); dọc đường Âu Cơ (quận Tân Bình)… từ rất sớm người dân đã xếp hàng chờ mua. Thời điểm này, giá vịt quay dao động từ 330.000-450.000/con tùy từng tiệm...
Các tiệm bán vịt quay nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh luôn đông khách trong ngày Tết Đoan Ngọ (Ảnh: Dương Lan). |
Anh Nguyễn Dự (quận Tân Bình) cho biết, năm nào anh cũng đến sớm để mua vịt quay tại cửa hàng ở đường Âu Cơ nhưng vẫn phải xếp hàng vì quá đông. “Dọc đường này có rất nhiều quán vịt quay nổi tiếng, năm nào tôi cũng ra đây mua về để cúng gia tiên. Dù chờ đợi lâu nhưng mua được tôi cũng thấy vui”.
Còn tại khu vực đường Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị (quận 5) cũng tương tự. Người dân xếp hàng từ khá sớm, trung bình mỗi người chờ khoảng 15-30 phút mới tới lượt. Theo quan niệm của nhiều người, do phải bày mâm cúng trước 12h nên ai cũng tranh thủ mua nhanh để còn kịp mang về làm lễ.
Theo phong tục, mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ theo thường có các lễ vật là hoa tươi, vàng mã, hương, nước sạch; cơm rượu nếp, nếp cẩm, chè; bánh đa, củ lạc luộc; hoa quả có vị chua như quả mận, quả vải... Tùy theo địa phương mà mâm cỗ cúng có thể có thêm những lễ vật khác, lễ vật đặc trưng ở miền Bắc là bánh gio, bánh được làm từ gạo nếp ngâm cùng nước gio của các loại lá cây khô, gói trong lá chuối rồi đem luộc. Hay người dân miền Trung lại có món đặc trưng trong dịp Tết Đoan Ngọ là thịt vịt, bởi theo quan niệm tháng 5 âm lịch, thời tiết nắng nóng, ăn thịt vịt tính hàn sẽ giúp cơ thể mát mẻ hơn. Còn người dân miền Nam, ngoài những đồ lễ cơ bản thì trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ thường có thêm: Bánh ú nước gio, chè trôi nước, vịt quay, gà quay, hoa quả theo mùa... |