Thứ ba 24/12/2024 07:34

Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa thiết yếu, phòng chống dịch Covid-19

Mặc dù người dân Hà Nội vẫn bình tĩnh, không đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm như thời điểm giãn cách xã hội vào tháng 3/2020 nhưng các siêu thị, doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã lên phương án chuẩn bị hàng hóa thiết yếu. Song song với đó, công tác ứng phó, phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng đã được triển khai tích cực.

Sáng ngày 10/8, đoàn làm việc về công tác chuẩn bị hàng hóa và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các đơn vị thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội do bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với hai doanh nghiệp thương mại trên địa bàn thành phố gồm: Công ty TNHH AEON Việt Nam chi nhánh Hà Đông và Công ty TNHH MM Mega Market - chi nhánh Thăng Long.

Doanh nghiệp chủ động nguồn hàng

Tại buổi làm việc, bà Đỗ Ngọc Khánh Chi - Giám đốc siêu thị Công ty TNHH AEON Việt Nam chi nhánh Hà Đông - cho hay, đến thời điểm này, lượng hàng hóa dự trữ trên toàn hệ thống siêu thị tăng từ 1,5 - 2 lần so với lượng hàng hóa thông thường. Việc dự trữ này tùy thuộc vào từng nhóm mặt hàng. Ví dụ như mặt hàng gạo, mì tôm lượng dự trữ tăng lên nhiều hơn tại siêu thị hay tại kho của doanh nghiệp, nhưng với mặt hàng trứng hay thịt phía siêu thị đã ước tính với nhà cung cấp để họ có thể chuẩn bị hàng để trong trường hợp nhu cầu của người tiêu dùng tăng vọt thì có thể nhanh chóng giao hàng cho doanh nghiệp.

Hà Nội, không thiếu hàng thiết yếu ứng phó với dịch Covid-19

“Số liệu này được AEON xây dựng so với số lượng mua hàng của cùng kỳ năm ngoái. Trong trường hợp có phát sinh đột biến, nhu cầu tiêu dùng tại kênh siêu thị tăng vọt, phía AEON sẽ điều chỉnh lại để đảm bảo đủ lượng hàng hóa cung cấp cho khách hàng”, bà Đỗ Ngọc Khánh Chi cho biết thêm.

Với hệ thống nhà cung cấp trải rộng trên khắp cả nước, ngoài bộ phận thu mua ở TP. Hồ Chí Minh, AEON có bộ phận thu mua khá mạnh ở Hà Nội. Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào AEON sẽ chủ động nguồn cung hàng hóa. Ngoài kho hàng hiện tại, doanh nghiệp có thuê thêm kho ngoài ở Thanh Trì với diện tích 800-1.000m để trữ hàng.

Cũng theo bà Đỗ Ngọc Khánh Chi, với làn sóng Covid-19 lần thứ hai này, mặc dù Hà Nội có người lây nhiễm Covid-19 nhưng lượng khách mua hàng trong mấy ngày gần đây hầu như không tăng, thậm chí lượng khách mua trực tiếp tại siêu thị còn giảm 30-35% do người tiêu dùng thực hiện mua hàng hóa gần nhà, mua online, mua của người quen… Nhiều người còn ngại đến siêu thị vì sợ tụ tập đông người. Cũng theo bà Đỗ Ngọc Khánh Chi, việc người dân Hà Nội không đổ xô dự trữ thực phẩm cho thấy tâm lý người dân không quá lo lắng thiếu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và đã có những kinh nghiệm thiết thực trong việc ứng phó với dịch bệnh Covid-19 quay trở lại.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại AEON Hà Đông

Trong khi kênh mua sắm truyền thống giảm thì kênh mua sắm qua online lượng khách hàng tăng lên rất nhiều. Theo thống kê của doanh nghiệp, làn sóng dịch Covid-19 lần 1, mua hàng online tăng khoảng 40%.

Cùng với việc đẩy mạnh dự trữ hàng hóa, phía AEON cũng thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19. Đối với kênh bán hàng trực tiếp, ngoài việc đo thân nhiệt cho khách hàng, sát khuẩn tay trước khi vào siêu thị, khách hàng được yêu cầu đeo khẩu trang khi đi mua sắm…. Đối với kênh mua sắm online, AEON cũng thuê bên thứ 3 là đơn vị giao nhận chuyên nghiệp. Công tác phòng chống dịch của đơn vị này cũng đảm bảo công tác phòng dịch. Ngoài ra, AEON cũng đã xây dựng một quy trình ứng phó với các trường hợp nhân viên/khách hàng/đối tác bị nghi nhiễm/bị nhiễm Covid-19.

Trong khi đó, tại Công ty MM Mega Market Việt Nam - chi nhánh Thăng Long, đại diện siêu thị này cho hay, công tác phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng yêu cầu, hướng dẫn của Chính phủ. 100% nhân viên, khách hàng đeo khẩu trang vào siêu thị. 100% khách hàng vào siêu thị phải đo thân nhiệt. Thực hiện việc giãn cách tại quầy lễ tân, lối vào và quầy thu ngân. Tại nhiều vị trí trong siêu thị có bố trí nước rửa tay sát khuẩn. Những việc trên được yêu cầu áp dụng đối với nhà cung cấp.

Yêu cầu tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 lần bình thường, giữ giá ổn định

Bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, từ ngày 10/8 - 16/8 là thời gian cao điểm của dịch Covid-19, do đó, đề nghị các đơn vị doanh nghiệp cần tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với nhu cầu bình thường của người dân, việc này thực hiện trong 3 tháng (tháng 8, tháng 9 và tháng 10) đối với 17 mặt hàng thiết yếu mà ngành Công Thương đã đưa ra.

Kiểm tra hàng hóa tại MM Mega Market - chi nhánh Thăng Long

Trong công tác dự trữ hàng hóa, đề nghị phía doanh nghiệp thương mại bố trí lượng hàng tại các địa điểm bán hàng, lượng hàng trong kho trực tiếp của đơn vị và kho của các nhà phân phối, để làm sao các mặt hàng thiết yếu phải đảm bảo đúng yêu cầu đã đặt ra.

Bà Trần Thị Phương Lan cũng đề nghị các doanh nghiệp thương mại xây dựng một phương án để điều phối hàng hóa trong toàn hệ thống, phương án điều phối từ các kho hàng lên các quầy kệ, phương án điều phối của hệ thống này sang hệ thống khác một cách chi tiết, cụ thể trong mọi tình huống.

Các doanh nghiệp cần chủ động liên kết với các tỉnh, thành phố để đảm bảo đủ nguồn hàng với 17 mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, phải tính toán đến phương án trong trường hợp rất nhiều tỉnh, thành phố nằm trong vùng doanh nghiệp nhập hàng phát hiện ra những ổ dịch lớn, và phải cách ly, phong tỏa.

Tất cả hàng hóa phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và giữ được giá bình ổn trong suốt thời gian công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như trong Chương trình bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán 2021.

Hàng hóa trên quầy kệ sắp xếp ngăn lắp, gọn gàng dễ lấy, dễ thấy và chuẩn bị đủ nhân lực và vật lực để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân đặc biệt trong lúc dịch bệnh bùng phát mạnh. Tăng cường kênh bán hàng online thay cho offline nhằm hạn chế việc người dân đến trực tiếp tại các quầy hàng.

Cần xây dựng phương án phòng chống dịch trên toàn hệ thống và trong từng hệ thống. Tập huấn cho cán bộ công nhân viên kinh nghiệm phòng chống dịch. Mặc dù Hà Nội chưa yêu cầu phải giãn cách xã hội nhưng khuyến cáo người dân khi đến những nơi đông người nên giãn cách không riêng gì ở quầy lễ tân, quầy thu ngân và cân hàng….

Kiểm tra hàng hóa tại MM Mega Market - chi nhánh Thăng Long

Hiện nay, do tác động của dịch Covid-19 nên Hà Nội không tổ chức được các chương trình hội chợ, tuần hàng…. Trong khi đó, các thông báo kết luận của thành phố đều ghi rõ ngành Công Thương phải đảm bảo đủ hàng hóa và tăng cường kết nối cung cầu. Do đó, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, TP. Hà Nội cũng mong muốn mỗi một điểm bán hàng của doanh nghiệp thương mại bố trí một điểm hỗ trợ cho các tỉnh đưa hàng hóa, nông sản vào bán tại hệ thống. Việc này vừa giúp quảng bá sản phẩm, vừa giúp các tỉnh tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp cho thành phố cân đối cung cầu và giúp cho doanh nghiệp thu hút thêm khách hàng đến để mua các đặc sản của địa phương theo các mùa vụ. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp thương mại bố trí 1 điểm bán hàng OCOP nhằm giúp tuyên truyền quảng bá sản phẩm OCOP không chỉ riêng Hà Nội mà còn các tỉnh, thành phố, giúp người tiêu dùng có nhiều sản phẩm để lựa chọn.

Hà Nội phấn đấu hết năm 2020 các hệ thống phân phối không dùng sản phẩm túi nilông dùng 1 lần. Do đó, đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai tốt công tác phòng chống rác thải nhựa. Dự kiến, khoảng hết quý III/2020 Sở Công Thương sẽ làm việc với các siêu thị về kết quả triển khai công việc này.

Ông Nishikawa Satoshi - Giám đốc khu vực miền Bắc - Công ty TNHH AEON Việt Nam - nhấn mạnh: Việt Nam đi đầu trong công tác chống dịch Covid-19 và có thể trở lại lên kinh tế tốt hơn so với các nước khác. AEON hiện là tập đoàn bán lẻ lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, cùng với kinh nghiệm chống dịch ở các nước khác, AEON đã và đang thực hiện công tác chống dịch một cách nghiêm túc ở Việt Nam. Đồng thời, AEON sẽ làm việc với chuỗi các nhà cung cấp ở Việt Nam và các nước khác để có thể cung cấp được một lượng hàng hóa đầy đủ nhất cho người tiêu dùng.
Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Bà Rịa - Vũng Tàu: Chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết

TP. Hồ Chí Minh: Chợ kẹo bánh Bình Tây nhộp nhịp dịp cuối năm

Thị trường hàng hóa hôm nay 18/12: Giá đậu tương giảm phiên thứ ba liên tiếp

Đồ trang trí Giáng sinh 2024: Sản phẩm 'xanh' chiếm sóng thị trường

Thị trường hàng hóa hôm nay 17/12: Giá cà phê Arabica tăng 2,47%

Thị trường hàng hóa hôm nay 16/12: Giá ca cao tăng vọt tuần thứ 5 liên tiếp

Ngành bán lẻ trước cột mốc 200 tỷ USD: Miếng bánh có dễ 'ăn'?

Đưa hàng hiệu giá hấp dẫn đến với người tiêu dùng: ‘Chìa khoá’ chinh phục niềm tin trong khó khăn

Thị trường hàng hoá duy trì bình ổn, không để thiếu hàng cho dịp Tết Ất Tỵ

Xu hướng lựa chọn giỏ quà Tết năm nay

Nguồn cung hàng hóa sẵn sàng, doanh nghiệp tăng 30% sản lượng hàng Tết so với năm 2024

Thị trường hàng hóa hôm nay 13/12: Giá ngô suy yếu, giá đậu tương đi ngang

Năm 2025, tiếp tục đưa thị trường nội địa trở thành 'tuyến phòng ngự' vững chắc

Thị trường hàng hóa hôm nay 12/12: Giá bạc neo tại vùng đỉnh một tháng

Bộ Công Thương thu hồi giấy phép phân phối rượu của Công ty TNHH Nam Dương Invest

TP. Hồ Chí Minh: Thị trường đồ trang trí ảm đạm trước thềm Giáng sinh

Thị trường hàng hóa hôm nay 11/12: Giá cà phê Arabica chạm mức cao nhất khi tiến sát mốc 7.400 USD/tấn

TP. Hồ Chí Minh: Bán hàng bình ổn thị trường Tết, nhiều hàng hóa giảm giá sâu

Thị trường hàng hóa hôm nay 10/12: Trung Đông tiếp tục ‘nóng’, giá dầu thế giới quay đầu phục hồi

Thị trường hàng hóa hôm nay 9/12: Giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều