Hà Nội: Công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội: Quyết tâm truy vết, tách F0 ra khỏi cộng đồng, dập nhanh ổ dịch mới |
Nguyên tắc, nội dung, điều kiện, đối tượng, mức hỗ trợ và phương thức chi trả thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Lao động tự do được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần
Cụ thể, lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ khi cư trú hợp pháp trên địa bàn TP; bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5/2021đến 31/12/2021. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần. Phương thức chi trả theo hình thức trực tiếp cho người lao động trên cơ sở danh sách được phê duyệt.
Lao động tự do được hỗ trợ là người lao động theo quy định tại khoản 1 điều, 3 của Luật Việc làm (người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc), làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND TP.
Hà Nội: Hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động vượt qua dịch bệnh Covid-19 |
Nhóm lao động tự do khác được hỗ trợ là người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Đối với các trường hợp người lao động bị mất việc làm thuộc các ngành nghề bị tạm dừng hoạt động sau ngày Quyết định số 3642/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành, thì các bên liên quan áp dụng theo văn bản chỉ đạo của UBND TP hoặc chính quyền địa phương theo từng thời điểm và diễn biến của dịch Covid-19.
Ngoài nhóm lao động tự do, người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn Hà Nội được tiếp cận với nhiều chính sách hỗ trợ khác, như: Giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (thời gian áp dụng 12 tháng, từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022); tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất (thời gian từ ngày 7/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022).
Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.
Với chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, người sử dụng lao động lập danh sách người lao động theo hướng dẫn, gửi đến các cơ quan chức năng. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022. Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được áp dụng đến hết ngày 31/1/2022. Theo đó, người lao động có nhu cầu hỗ trợ gửi bộ hồ sơ theo quy định đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (tại trụ sở chính hoặc tại 13 điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
Đối với viên chức hoạt động nghệ thuật, đối tượng hỗ trợ là viên chức hoạt động tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (bao gồm cả đơn vị trực thuộc cơ quan trung ương) bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.
Còn hướng dẫn viên du lịch có nhu cầu hỗ trợ gửi hồ sơ đề nghị theo hướng dẫn của Trung ương và gửi đến Sở Du lịch Hà Nội (nơi cấp thẻ cho hướng dẫn viên du lịch). Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022. Hộ kinh doanh cần hỗ trợ có thể gửi đề nghị theo hướng dẫn đến UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.
Với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, thì người sử dụng lao động lập danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia bảo hiểm xã hội để xác nhận. Quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, chi kinh phí hỗ trợ với các đối tượng nêu trên diễn ra trong thời gian nhanh nhất.
Kinh phí hỗ trợ từ nhiều nguồn
Về nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp, đối với các nhiệm vụ do sở, ngành thực hiện, kinh phí thực hiện chính sách do ngân sách TP bảo đảm theo quy định. Đối với các quận, huyện, thị xã sử dụng ngân sách của quận, huyện, thị xã (50% dự phòng ngân sách các cấp, nguồn cải cách tiền lương còn dư) để kịp thời chi trả cho các đối tượng thụ hưởng, ngân sách TP bổ sung kinh phí còn thiếu cho các huyện, thị xã để thực hiện chính sách.
Kinh phí hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được bảo đảm từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đối tượng người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động. Nguồn vốn thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
UBND TP giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ theo nhiệm vụ được phân công, bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị, người lao động và các đối tượng có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Cùng với đó là việc tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề công tác triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo nhiệm vụ được phân công; kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm, gây khó khăn, phiền hà, chậm trễ trong triển khai thực hiện...
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ trì theo dõi, đôn đốc các Sở, ngành, UBND cấp quận, huyện, thị xã trong việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn TP.