Hà Nội: Động lực, đầu tàu tăng trưởng kinh tế của đồng bằng sông Hồng và cả nước
Khẳng định vai trò đầu tàu về kinh tế của cả nước
Ngày 10/10/1954 là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế. Dù phải đối diện với không ít thách thức, nhưng trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển, Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, các cấp, bộ ngành, địa phương và của Nhân dân cả nước.
Từ một đô thị có quy mô dân số khoảng 43,7 vạn người, chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực vươn lên ngày càng lớn mạnh, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, đưa Thành phố hội nhập sâu rộng với thế giới.
70 năm sau ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ. Ảnh: C.L |
Số liệu của Cục Thống kê TP. Hà Nội cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thành phố giai đoạn 2011 - 2023 tăng bình quân 6,67%/năm, nhưng chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, GRDP ước tăng 6,0%.
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 16% tổng sản phẩm của TP. Hà Nội. Trên địa bàn Hà Nội có 9 khu công nghiệp hoạt động (tổng diện tích 1.670,6 ha), 3 khu công nghiệp đã thành lập, đang triển khai xây dựng hạ tầng (diện tích 663,4 ha).
Với những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực, cải cách hành chính, Hà Nội là một trong 5 địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong hàng chục năm qua với trên 4.500 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Song song với đó, các dự án giao thông quan trọng, có tính liên vùng được Hà Nội quan tâm đầu tư. Nhiều dự án đã và đang hoàn thành, hứa hẹn sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế Thủ đô.
Đánh giá về tốc độ phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp - Thương mại (Bộ Công Thương) - nhìn nhận, hơn 70 năm qua, cơ cấu kinh tế thay đổi hoàn toàn, tỷ lệ thương mại - dịch vụ ngày càng tăng, tỷ lệ nông nghiệp thu hẹp lại.
“Mô hình kinh tế của Hà Nội có sự thay đổi tích cực, đó là đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn. Cùng với đó, Hà Nội cũng phát triển theo những mô hình kinh tế mới trên thế giới. Hiện nay, khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm GRDP địa phương. Đây là một hướng đi khá đúng đắn” - TS Lê Quốc Phương đánh giá và cho rằng, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố cũng đã và đang tăng trưởng tích cực.
Thương mại, dịch vụ, du lịch sẽ tiếp tục là mũi nhọn trong mô hình phát triển kinh tế của Thủ đô. Ảnh: VGP/Gia Huy |
Năm 2023, xuất nhập khẩu của Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đưa Hà Nội lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành. Hạ tầng thương mại nội địa như: Trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… được chú trọng phát triển. Hà Nội hiện có hệ thống thương mại khá hiện đại, gồm khoảng 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, 455 chợ (cả đầu mối và dân sinh), hàng nghìn cửa hàng tiện ích, hàng trăm máy bán hàng tự động… Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử tăng mạnh, hiện chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.
Không những vậy, những năm gần đây, ngành du lịch cũng đã gặt hái được nhiều thành công, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và đứng thứ 15 trong danh sách các điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.
Có thể khẳng định, những thành tựu mà Thủ đô Hà Nội đạt được trong 70 năm sau Ngày Giải phóng là vô cùng to lớn, có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển chung của cả nước. Đúng như nhận định của TS. Lê Quốc Phương, Hà Nội không chỉ là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, giao dịch quốc tế. Với việc chuyển mình trong thời gian qua, Hà Nội không chỉ là động lực, đầu tàu tăng trưởng kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Sức bật từ một Nghị quyết
Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội đạt mức tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD, đến năm 2045, GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD. Đặc biệt, hiện nay Hà Nội đang triển khai Luật Thủ đô 2024, để phát triển Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa...
Để hiện thực hóa các mục tiêu, ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) kiến nghị, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và mô hình một số Thủ đô của châu Á, Bắc Âu... để đưa ra một chương trình, hình mẫu cho Thủ đô.
“Để làm được, Hà Nội nên dành kinh phí nghiên cứu và thực hiện cho tất cả các lĩnh vực. Đưa ra lộ trình cho từng ngành nghề, thông điệp rõ đến từng người dân sống, người dân làm việc tại Thủ đô để cùng thực hiện. Kinh tế tuần hoàn là bền vững, là xanh - sạch, môi trường sống tốt, là tuổi thọ, là sức khỏe và cùng là mức sống sẽ tốt lên cho từng người dân, người lao động Thủ đô” - ông Nguyễn Hoàng đề xuất và cho rằng, Hà Nội cần thành lập Hội đồng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mời các chuyên gia trong các lĩnh vực, doanh nghiệp... cùng tham gia để thực hiện các mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW.
Hà Nội không chỉ là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, giao dịch quốc tế. Ảnh: VGP/Gia Huy |
Cũng theo một số nhà phân tích, trong tương lai, Hà Nội cần xác định rõ hơn nữa về phát triển kinh tế và nhiệm vụ là Thủ đô, là trung tâm chính trị - văn hóa - xã hội của cả nước. Tuy hai mà một cùng chung nhiệm vụ đưa Hà Nội xứng tầm là Thủ đô của Việt Nam, là Thủ đô hàng đầu trên thế giới. Và mục tiêu phát triển kinh tế Hà Nội này cũng xứng tầm đúng vị thế - tiềm năng của Thủ đô, đúng với Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và thông điệp “Yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm để phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung.