Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định, Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển, thông qua đó quảng bá, nâng tầm văn hóa dân tộc.
Phố Sách Xuân Đinh Dậu ở Hà Nội thu hút đông đảo người dân tới xem và mua sách |
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, ngành xuất bản và các hội sách của Việt Nam nhìn chung còn nhỏ lẻ. Nhận thức hội sách là nơi giao lưu văn hóa, đồng thời còn là hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế, hàng năm thành phố đều phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội sách. Đáng mừng là trong Hội sách Xuân Hà Nội năm 2017, số lượng các nhà xuất bản và khách tham quan đến đông hơn rất nhiều so với các năm trước.
TP. Hà Nội đã có thiết kế đầu tư và đang thi công phố sách mang đậm dấu ấn Thủ đô, dự kiến khai trương vào ngày 1/5 tới; đang xây dựng Trung tâm triển lãm quốc gia, sẽ khánh thành vào năm 2018. Hà Nội hy vọng có thể tổ chức một Hội sách lớn vào cuối năm 2018, đầu năm 2019. Đặc biệt, tháng 10 năm nay, thành phố sẽ khánh thành Trung tâm điều hành thông tin Hà Nội. Đây sẽ là trung tâm phân tích dữ liệu đầu tiên của Việt Nam.
Trong ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô, TP. Hà Nội đã định hướng ưu tiên sử dụng các công nghệ tiên tiến của Đức. Hiện rất nhiều máy móc hiện đại trong các lĩnh vực y tế, giao thông, xử lý rác thải… đều được nhập từ Đức. Riêng ngành xuất bản của Việt Nam, công nghệ giấy nhẹ, giấy xốp của Đức đang được sử dụng rất nhiều.
Với nền tảng như vậy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội bày tỏ mong muốn Chủ tịch Hội sách Frankfurt Book Fair, Hội sách lớn nhất thế giới giúp đỡ Hà Nội trong việc hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện tổ chức các Hội sách lớn trong tương lai.
Về việc tham dự Hội sách Frankfurt Book Fair năm 2021, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng đây là vinh dự của Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng. Nếu được trở thành khách mời danh dự của hội sách, Hà Nội cam kết sẽ đem đến Hội sách những tác phẩm xuất sắc nhất, đặc biệt sẽ có sự xuất hiện sách của các tác giả Đức được dịch ra tiếng Việt từ cách đây hàng thế kỷ cùng với những màn biểu diễn nghệ thuật đặc trưng, mang đậm dấu ấn Việt Nam. Đáng chú ý là từ nay đến năm 2021, Hà Nội sẽ tăng cường sự hiện diện tại Đức bằng các hoạt động nghệ thuật, các gian hàng tại Hội sách độc đáo, không trùng lặp.
Đại diện cho Hội sách Frankfurt Book Fair, ông Juergen Boos nhấn mạnh, bản chất của Hội sách này là kết nối văn hóa, là nơi các chuyên gia, chính trị gia của các nước trực tiếp bày tỏ ý kiến, quan điểm về văn hóa và phát triển văn hóa các nước. Đầu tư vào văn hóa chính là đầu tư vào con người.
Ông Juergen Boos nhận định, Việt Nam có kho tàng văn hóa vô cùng phong phú chưa được khai thác hết. Chính vì thế phải có kế hoạch từng bước, bài bản. Tổ chức này sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam tham gia Hội sách và tăng cường sự hiện diện tại Đức.
Dự kiến tháng Sáu, tổ chức này sẽ tiến hành đào tạo cho các nhân viên của Việt Nam. Ông Juergen Boos đề nghị Hà Nội và Việt Nam sớm lựa chọn các tác phẩm đặc sắc, dịch ra các thứ tiếng để tham gia Hội sách và kết hợp với các nước trong khu vực Đông Nam Á xây dựng diễn đàn phát triển văn hóa đọc ASEAN để làm nổi bật thương hiệu của mình.
Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội đề xuất hai bên ký biên bản ghi nhớ với 5 nội dung lớn: Hội sách Frankfurt Book Fair giúp Hà Nội đào tạo tổ chức các Hội sách lớn trong tương lai; Từ năm 2017 đến năm 2021, Việt Nam và Hà Nội tổ chức quầy sách thường niên tại Đức; TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Ngoại giao Đức, Hội Việt kiều tại Đức và các Công ty Đức tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại Đức ít nhất 1 lần mỗi năm; Đề nghị Đức hỗ trợ đầu mối dịch các tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Đức thông qua các nhà xuất bản; Hà Nội sẽ kết hợp với các doanh nghiệp để phát triển ngành công nghiệp xuất bản gắn liền với xúc tiến đầu tư và phát triển kinh tế.