Hà Nội đứng vị trí thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI
Theo số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, từ năm 1989 đến nay, TP. Hà Nội đã thu hút được 7.495 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 55,73 tỷ USD. Cùng thời gian trên, số vốn FDI đã giải ngân đạt khoảng 29,7 tỷ USD, bằng 53,2% vốn đầu tư đăng ký.
Tính đến nay đã có 117 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại TP. Hà Nội. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 13,16 tỷ USD (chiếm 23,63% tổng vốn đăng ký) với 1.532 dự án; Singapore đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đạt 11,95 tỷ USD (chiếm 21,37%); Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký đạt 9,62 tỷ USD (chiếm 17,27%)...
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP. Hà Nội cho thấy, trong 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP. Hà Nội tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 tăng 2,5%), trong đó có sự đóng góp không nhỏ của công nghiệp chủ lực, toàn thành phố thu hút 1,5 tỷ USD vốn FDI. Hà Nội đứng vị trí thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI, chiếm khoảng 18,24% số dự án và 8,9% tổng vốn đăng ký.
Sản xuất cánh tà máy bay dân dụng tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Minh Anh |
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, khu vực vốn FDI đã đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, với ưu thế tiềm lực về vốn, công nghệ, năng lực quản trị... Khu vực này đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trên cả góc độ tổng cung và tổng cầu, góp phần gia tăng tổng đầu tư xã hội, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Đặc biệt, doanh nghiệp FDI đóng góp cơ bản trong việc gia tăng nhanh giá trị xuất khẩu.
Qua thời gian, các dự án FDI cũng tạo hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, kinh doanh và quản lý đối với các doanh nghiệp trong nước, nhất là trao đổi, chuyển giao công nghệ cho đối tác trên địa bàn.
Sự xuất hiện của khối doanh nghiệp FDI cũng tạo sức ép cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong từng lĩnh vực, làm động lực cho doanh nghiệp trong nước cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nguồn vốn FDI đã tác động mạnh tới sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu ngành của các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp...
“Dù khó “đong đếm” chính xác nhưng doanh nghiệp FDI rõ ràng đã góp phần quan trọng trong tạo việc làm ổn định và đào tạo kỹ năng cho người lao động. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đột phá phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị của Thủ đô”, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội nhìn nhận.
Thêm động lực hút vốn
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, để có những kết quả trên, TP. Hà Nội thường xuyên duy trì được sức hút, tỏ rõ tiềm năng trong mắt giới đầu tư, nhất là những lợi thế về chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng với sự cải thiện, nâng cấp nhanh chóng về số lượng công trình giao thông. Đặc biệt, lãnh đạo TP. Hà Nội luôn cam kết đồng hành, chia sẻ với nhà đầu tư.
Vì vậy, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức các cuộc gặp, đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư, qua đó nắm tình hình thực tiễn, nhận diện khó khăn, vướng mắc để chủ động hỗ trợ, tháo gỡ. Các sở, ngành, địa phương đều nghiên cứu phương án, lập kế hoạch và có chương trình hành động theo chức năng nhiệm vụ của mình để cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố.
“Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo thành phố là lấy doanh nghiệp, nhà đầu tư làm mục tiêu phục vụ, coi thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của TP. Hà Nội. Những cải cách đích thực thể hiện qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp nhà đầu tư tiết giảm thời gian, chi phí liên quan đã và đang phát huy hiệu quả, đưa Thủ đô trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của dòng vốn quốc tế”, vị đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội nhấn mạnh.
Khi Luật Thủ đô 2024 đi vào cuộc sống với các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ là động lực để Hà Nội có thêm sức hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ các nhà đầu tư lớn. Ảnh minh họa: Huyền Nhi |
Có thể nói, Hà Nội với vai trò đầu tàu, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc luôn có vị trí dẫn dắt, là trung tâm kinh tế, hợp tác phát triển cũng như hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong vùng trong sự nghiệp phát triển kinh tế nói chung. Trong đó, các hoạt động kinh tế quan trọng, có tính liên vùng và ảnh hưởng sâu sắc tới kết quả tăng trưởng kinh tế của toàn vùng như thương mại nội vùng, hợp tác tài chính, ngân hàng, tiêu dùng nội địa, sản xuất công nghiệp, du lịch… đang ngày càng diễn ra sâu rộng hơn.
Hoạt động trao đổi giữa các địa phương về công nghệ, đổi mới sáng tạo, huy động các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực… cũng gia tăng theo thời gian. Tất cả dựa trên quan điểm cởi mở, thiết thực và cùng phát triển, hướng tới tương lai thịnh vượng của cả vùng cũng như đối với mỗi địa phương của vùng. Đặc biệt, với việc Luật Thủ đô 2024 đi vào cuộc sống, chắc chắn Hà Nội có nhiều triển vọng để thu hút vốn FDI.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào khu vực Đông Nam Á, để cạnh tranh với các địa phương khác, do đó Hà Nội cần chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Điều vui mừng là các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ,… cũng khẳng định sẽ tích cực phối hợp với Hà Nội để triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù.
“Với việc Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù sẽ mở thêm nhiều hướng phát triển cho thành phố. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ giúp Hà Nội tăng thêm sức hút vốn FDI, đồng thời cũng là cơ hội để các nhà đầu tư lớn xem xét, nghiên cứu đầu tư”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhận định.