Hà Nam đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân sau bão
Hà Nam là một trong những tỉnh được dự báo nguy cơ ngập lụt cao trong những ngày tới. Vì vậy, nhu cầu mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu dự trữ của người dân đang tăng cao. Chiều 11/9, Sở Công Thương Hà Nam đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, đơn vị phân phối hàng hóa trong tỉnh chủ động phương án dự trữ, tìm kiếm nguồn hàng, cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân sau bão.
Do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, nhiều địa phương trên cả nước có mưa lớn và ngập lụt, trong đó có tỉnh Hà Nam. Ngày 7/9/2024, Bộ Công Thương đã có Công điện số 6814/CĐ-BCT về việc ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3. Công điện yêu cầu rõ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phương án cụ thể bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân.
Sở Công Thương Hà Nam yêu cầu kiểm soát thị trường, tránh trường hợp găm hàng, nâng giá bất hợp pháp. Ảnh: Hà Nam Online |
Tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống, khắc phục mưa, lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3, đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu ngành Công Thương theo dõi sát tình hình mưa, lũ và diễn biến thị trường để chủ động triển khai các nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu, bảo đảm phục vụ nhân dân sau bão; yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân chủ động dự trữ thực phẩm để đề phòng trường hợp xảy ra ngập lụt khu dân cư.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh, Sở Công Thương đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, yêu cầu có sự chủ động về nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao.
Sở đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để phục vụ nhân dân ứng phó với mưa, lũ, bảo đảm thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.
Đồng thời, đề nghị UBND cấp huyện rà soát nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, đánh giá nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, trong tình huống nguồn cung ứng không đáp ứng nhu cầu của người dân cần chủ động phối họp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để thực hiện điều tiết cung cầu hàng hóa; chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu...
Sở Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân sau bão; duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, không để xảy ra tình trạng dừng bán hàng không lý do, gây thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu.
Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Đến thời điểm này, cơ bản hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vẫn được chủ động cung ứng tại các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… với giá cả hợp lý, không có nhiều biến động. Các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cũng đã chủ động có kế hoạch nhập hàng từ trước vào các kho, bể chứa, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất và sinh hoạt.
Qua tìm hiểu cho thấy, trong 2 ngày gần đây, người dân thành phố Phủ Lý và các địa phương trong tỉnh đã chủ động mua sắm thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để dự trữ, đề phòng trường hợp nhà cửa bị ngập lụt do ảnh hưởng của bão số 3.
Do đó, lượng hàng hóa tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích tăng lên rất cao. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, hệ thống cửa hàng của siêu thị Winmart+ liên tục được bổ sung nguồn hàng từ kho tổng của tập đoàn theo tần suất 1-2 lần/ngày với lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Trong đó, tập trung mặt hàng đồ khô như bún, phở, miến, mỳ tôm; gạo; rau, củ, quả; thực phẩm tươi sống như cá, thịt các loại.
Ông Cao Minh Dương - quản lý hệ thống Siêu thị Winmart+ tại Hà Nam - cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 13 cửa hàng của Winmart+, trong đó riêng thành phố Phủ Lý có 8 cửa hàng. Dự báo được việc nguồn cung rau xanh sẽ khó khăn và giá bán có thể tăng sau bão số 3, Winmart+ đã sớm lên kế hoạch điều chỉnh cung ứng, đặt hàng sớm để ổn định giá.
Vì vậy, dù giá các mặt hàng rau, củ, quả trên thị trường có xu hướng tăng giá nhưng Winmart+ cam kết không tăng giá bán và duy trì chất lượng hàng hóa ổn định. Bên cạnh đó, siêu thị cũng vẫn áp dụng các chương trình khuyến mại, giảm giá đối với nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu để hỗ trợ người dân trong mùa mưa, lũ.
Còn tại khu vực chợ dân sinh, các tiểu thương kinh doanh thực phẩm, rau, củ, quả cũng đã có phương án chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho thị trường với số lượng tăng 50-100% so với ngày thường.
Chị Lại Thị An, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt lợn tại chợ phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) cho biết: Trước thông tin phường Lê Hồng Phong có nguy cơ bị ngập lụt do nước sông Đáy dâng cao, nhiều người dân trên địa bàn phường đã đi mua rau, củ, thịt về dự trữ, đề phòng tình huống xảy ra. Bình thường, tôi chỉ bán được khoảng 1 tạ thịt lợn/ngày nhưng trong những ngày úng lụt này, số lượng thịt lợn tôi bán đã tăng gần gấp 3 lần. Để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, tôi đã kết nối với nhiều lò mổ thịt lợn trên địa bàn để sẵn sàng có đủ hàng nhập thêm về bán trong ngày khi nhu cầu mua thực phẩm của người dân vẫn tiếp tục tăng cao.
Theo dự báo, tình hình mưa, lũ trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới. Do vậy, Sở Công Thương vẫn đang theo dõi sát diễn biến mưa, lũ, tình hình cung - cầu hàng hóa trên thị trường để triển khai các giải pháp điều tiết phù hợp, nỗ lực bằng mọi cách không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa thiết yếu sau bão.