Nhiệm vụ hàng đầu
Năm 1991, khi tỉnh Hà Giang tái lập, mạng lưới giao thông của địa phương nơi địa đầu chủ yếu là đường bộ được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ XX. Bốn quốc lộ: quốc lộ 2, quốc lộ 279, quốc lộ 34, quốc lộ 4C, tổng chiều dài 452km, mới có 159km được láng nhựa (chiếm gần 35%). Trên các tuyến có 17 cầu, chủ yếu là cầu nhỏ, hẹp. Các tuyến đường tỉnh về các huyện đa phần là đường đất, tỷ lệ được láng nhựa chỉ 8,5%. Hơn 1.250km đường giao thông nông thôn mới có 12km được láng nhựa (chiếm 0,9%), cấp phối đá dăm 15km, còn lại là đường đất. Ngoài ra, chỉ có duy nhất một bến phà qua sông Lô (phà Sảo), còn lại là đò ngang, vận chuyển bằng phương pháp thủ công. Việc di chuyển của người dân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa.
Một đoạn đường ở trung tâm huyện Quản Bạ (Hà Giang) |
Với tư duy “kết cấu hạ tầng giao thông vận tải có đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững”… Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hà Giang xác định việc phát triển giao thông vận tải là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, cần được quan tâm đặc biệt.
Trải qua 30 năm, 6 kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, hạ tầng giao thông của Hà Giang luôn được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phân kỳ đầu tư hợp lý, lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp... Đồng thời, khắc phục điều kiện của tỉnh miền núi còn khó khăn, nguồn vốn đầu tư còn hẹn hẹp, Hà Giang đã có nhiều hình thức thu hút các thành phần kinh tế, các nhà tài trợ xây dựng được một số cầu dân sinh và đường bê tông, tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các vùng, các địa phương trong toàn tỉnh phát triển.
Tính đến năm 2021, các điểm nghẽn lớn về giao thông như: quốc lộ 279, quốc lộ 4C, quốc lộ 34, đường Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, đường Xín Mần - Bắc Hà, đường tỉnh 176B, 183, các tuyến đường đến trung tâm xã…, của Hà Giang đã cơ bản được xử lý. Hệ thống đường quốc lộ thường xuyên được đầu tư xây dựng, bảo trì, giao thông đi lại tương đối thuận tiện. Hiện, Hà Giang đang tích cực phối hợp lập các thủ tục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ đưa vào quy hoạch tuyến đường cao tốc nối Hà Giang với tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và tuyến cao tốc Cửa khẩu Thanh Thủy - Tuyên Quang để triển khai thực hiện.
Bên cạnh hệ thống quốc lộ, hệ thống đường tỉnh cơ bản đã đáp ứng kết nối giao thông giữa các huyện; công tác bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ được quan tâm thực hiện thường xuyên; các trục giao thông đô thị quan trọng tiếp tục được hoàn thiện. Các tuyến đường ra cửa khẩu cũng được đầu tư nâng cấp, đảm bảo giao thông thuận lợi như: Đường từ quốc lộ 2 ra Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đường ra cửa khẩu Xín Mần - Đô Long; đường nối tới 4 cửa khẩu tiểu ngạch...
Đáng ghi nhận là, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Giang đã đầu tư xây dựng được 1.790km đường; xây mới, cải tạo 2.590 cầu, cống dân sinh. Chương trình xây dựng cầu dân sinh đạt kết quả cao, đến nay đã xây dựng được 83 cầu, phấn đấu đến hết năm 2025 xây dựng được 186 cầu theo kế hoạch.
Dốc Thẩm Mã – cung đường huyền thoại, địa điểm chụp hình được các du khách yêu thích khi đến với Hà Giang |
Khó khăn khi giải quyết “điểm nghẽn”
Thực tế, phát triển hạ tầng giao thông là vấn đề nan giải với Hà Giang - bởi Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt phức tạp, hiểm trở, địa chất dễ sạt lở, diễn biến thời tiết bất thường, dân cư phân bổ không đều, xa các trung tâm kinh tế - chính trị của đất nước, nền kinh tế kém phát triển. Trong khi đó, nguồn lực để đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông còn rất hạn hẹp.
Số liệu từ Sở Giao thông Vận tải cho thấy, 5 năm qua, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng và bảo trì dành cho Hà Giang chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu và quy hoạch. Thêm vào đó, Luật Đầu tư công thắt chặt; vốn tín dụng hạn chế, vốn bố trí cho dự án không đủ, cơ chế quản lý còn bất cập, chồng chéo đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý và chất lượng các công trình giao thông của Hà Giang.
Xây dựng đường nông thôn mới ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) |
Xác định, việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ tiếp tục là yếu tố quan trọng, có tính quyết định, giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá. Trong đó, đặt ra các mục tiêu: tích hợp phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải vào quy hoạch tỉnh đảm bảo chất lượng, có tầm nhìn chiến lược; tiếp tục đầu tư, nâng cấp xây dựng các tuyến đường quan trọng; quy hoạch bến cảng thủy nội địa trên các lòng hồ thủy điện, bến đò ngang sông để vận tải hàng hóa, hành khách và kết hợp phát triển du lịch; phấn đấu hoàn thành 100% các thôn biên giới có đường giao thông đến trung tâm đạt chuẩn nông thôn mới; trên 90% số thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa hoặc rải nhựa và từng bước được bảo trì theo quy trình; hoàn thành toàn bộ 186 cầu dân sinh thuộc chương trình quản lý tài sản đường địa phương; xây dựng 24 cầu treo dân sinh thay thế các bến đò để phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và an toàn cho việc đi lại trong mùa mưa lũ.
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức mới, hết sức nặng nề, ngành giao thông vận tải Hà Giang đề nghị: Ưu tiên nguồn lực cao nhất để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông ở tất cả các cấp ngân sách. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và chính quyền địa phương nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, chính quyền đối với việc bảo vệ và phát triển hạ tầng giao thông.