Giải thưởng cho các công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc |
Tại Hội thảo “Đề cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hội trí thức” do Liên Hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng ngày 09/9/2022 tại Hà Nội, GS. Nguyễn Lân Dũng đã chỉ ra 05 vấn đề để hoạt động khoa học, công nghệ có hiệu quả cao hơn nữa, thiết thực hơn nữa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp để phát nâng cao trách nhiệm đội ngũ trí thức trong hoạt động nghiên cứu khoa học |
Thứ nhất, đừng để các công trình nghiên cứu khoa học trở thành các hồ sơ lưu trữ không có hiệu quả thực tế gì với đất nước. Đây là kinh nghiệm từ thực tế mà bản thân GS. Nguyễn Lân Dũng đã trải qua.
“Tôi và các đồng nghiệp như cố GS. Nguyễn Hữu Thước trước đây, đã có nhiều năm nghiên cứu về tảo xoắn Spirulina nhập từ nước ngoài về, nhưng từ khi chúng tôi tạo được một mô hình pilot ở Hòa Lạc thì mới được Tập đoàn Đại Việt để tâm đến. Họ bỏ ra một nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư xây dựng hai nhà máy lớn tại Thanh Hóa và Lạng Sơn, tạo ra nguồn sản phẩm đủ sức đáp ứng cho nhu cầu của đông đảo nhân dân”, GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ “Mong sao các đề tài nghiên cứu đều được hỗ trợ để các tác giả có thể đưa nghiên cứu đến được quy mô sản xuất thử, chứ không phải chỉ nghiệm thu để rồi… cất đi”.
Thứ hai, các vấn đề quan trọng nhất thiết phải được đầu tư nghiên cứu đến nơi đến chốn. Theo GS. Nguyễn Lân Dũng thì với dân số gần 100 triệu dân không có lý do gì cho đến nay ta không sản xuất được 01 gram nào chất kháng sinh và vitamin, và ta vẫn phải bổ ngoại thệ ra nhập một khối lượng lớn hàng năm.
“Tôi nói đến việc sản xuất chứa không phải bào chế từ dược liệu nhập từ nước ngoài về. Hiện nay, chúng ta nhập hàng năm trên 100 nghìn tấn thuốc trừ sâu hóa học rất độc hại để phun khắp ruộng đồng và kết quả là tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ở nước ta cao vào loại nhất thế giới. Chúng tôi đã thu thập được các chủng bi sinh vật đang được dùng làm thuốc trừ sâu sinh học trên thế giới, nhưng nếu không có sự tiếp tay của doanh nghiệp thì chắc nghiên cứu chỉ có tể dừng lại trên báo cáo khoa học mà thôi”, GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.
GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ 05 vấn đề tại Hội thảo |
Thứ ba, các nhà khoa học phải có trách nhiệm với sự nghiệp của ngành giáo dục. GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, tôi nhận thấy cách tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục chính là nâng cao chất lượng giảng dạy cho các giáo viên đang đứng lớp. Chúng tôi đã biên soạn cuốn sách Khoa học về sự sống theo chương trình sách giáo khoa nhưng sâu hơn nhiều lần, để tiếp sức thiết thực cho đội ngũ giáo viên. Giáo sư cũng mong muốn mỗi Hội khoa học chuyên ngành đều biên soạn những cuốn sách tham khảo tương tự. “Đó chính là sự cống hiện thiết thực của chúng ta cho sự nghiệp giáo dục”, GS. Nguyễn Lân Dũng khẳng định.
Thứ tư, các nhà khoa học, đội ngũ tri thức hãy quan tâm nhiều hơn cho nông nghiệp vì Việt Nam là nước nông nghiệp với đa số người dân là nông dân.
GS. Nguyễn Lân Dũng kể lại câu chuyện, trước đây miền Bắc bèo hoa dâu đóng góp vai trò quan trọng trong vụ lúa đông xuân. Dân gian có cây “Đông Xuân không có bèo dâu, khác nào như thể ăn trầu không vôi”. Không phải ngẫu nhiên các nhà khoa học thế giới đồng ý để đồng chí Phạm Tuân đưa bèo hoa dâu lên vũ trụ. Các nhà khoa học Đức đã giúp các nhà khoa học Việt Nam tạo trang thiết bị để có thể theo dõi sự tồn tại và hoạt động quang hợp của bèo hoa dâu trong vũ trụ.
Thứ năm, không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. GS Nguyễn Lân Dũng đã đặt ra câu hỏi “Chúng ta đã và đang làm gì để đáp ứng với cuộc cách mạng này cũng như làm gì để thúc đẩy các ngành khoa học này. Bản thân tôi chỉ có thể góp phần nhỏ bé là biên soạn sắp xong cuốn Từ điển Công nghệ sinh học Anh Việt”.
Hiện nay vấn đề thanh toán chất dẻo dùng một lần đang là trào lưu của cả thế giới, trong khi đó chúng ta đã có doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được các sản phẩm chất dẻo tự phân huy nhưng sản phảm hầu hết chỉ được bán ra nước ngoài mà không được hưởng ứng tiêu thụ ở Việt Nam. “Chất dẻo đang chứa đầy trong các bãi rác mà nếu đốt sẽ sinh ra dioxin rất độc hại, còn nếu cứ thải xuống biển thì thật nguy hiểm lâu dài”, GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết.