Gói kích cầu kinh tế: Bình tĩnh để xem xét thấu đáo
Doanh nghiệp lao đao
Dịch Covid-19 diễn biến ngày một phức tạp, khiến các quốc gia không chỉ lo lắng về sức khỏe cộng đồng mà còn bận tâm đến những tác động tiêu cực tới nền kinh tế khi năng suất lao động bị sụt giảm, thậm chí DN đã phải tính đến phương án tạm dừng sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ khó ổn định sản xuất trong tháng 3 |
Sự lao đao của DN dệt may từ đầu năm tới nay có thể coi là điển hình về tác động xấu của dịch Covid-19. Bước sang tháng 3, nhiều DN dự báo sẽ không còn nguyên liệu để sản xuất và có thể phải đóng cửa. Ngay từ bây giờ, nhiều DN đã phải giảm giờ làm, giãn công việc, nhằm duy trì thu nhập cho người lao động. Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2020 cũng sụt giảm mạnh, tới gần 23,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với dệt may, hàng loạt các ngành hàng đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc về cả đầu vào lẫn đầu ra, như nông sản, điện tử... cũng đang xoay sở tìm hướng ổn định sản xuất và tiêu thụ.
Nhiều phương án khắc phục
Khó khăn của cộng đồng DN trước tác động của dịch Covid-19 một lần nữa phơi bày hạn chế cố hữu của các ngành hàng là phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường. Giải pháp cho vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc tính đến một gói kích thích cho nền kinh tế như một biện pháp đủ mạnh và cần thiết, giúp các DN thoát ra khỏi tác động của dịch bệnh.
Nhìn ở góc độ toàn diện, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - cho rằng, thời điểm hiện tại, chưa đủ cơ sở để bung ra gói kích cầu kinh tế, bởi không phải DN thiếu tiền, mà người dân đang sợ rủi ro lây bệnh, nên tạm thời co cụm lại, khiến cung - cầu hàng hóa bị lệch. Hơn nữa, dư địa tiền tệ và không gian cho tăng trưởng tài khóa trong năm nay của Việt Nam còn rất lớn. Chỉ tính riêng dư địa tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2020 gần như chưa sử dụng được nhiều, hệ thống ngân hàng cũng không phải đang thiếu tiền cho các nhà đầu tư vay.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, gói kích cầu kinh tế là giải pháp dài hạn, còn trước mắt, Bộ Tài chính cần gấp rút đề xuất và triển khai các biện pháp hỗ trợ cụ thể cho đối tượng chịu tác động của dịch bệnh, như: Miễn, giảm, giãn thuế cho DN. Chính phủ có thể tăng mua để hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực đang chịu tác động của dịch bệnh với những mặt hàng có thể tăng mua dự trữ.
Trong khuyến nghị 12 điểm gửi tới Chính phủ mới đây về tác động của dịch Covid-19 đến “sức khỏe” của nền kinh tế và cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - đề xuất: Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với DN trong các lĩnh vực bị tác động mạnh từ Covid-19. Chưa tăng giá các loại dịch vụ và giá vật tư đầu vào cho sản xuất, kinh doanh do nhà nước quản lý; Chưa thu phí C/O từ hoạt động xuất nhập khẩu…
Nhằm triển khai nhanh các giải pháp gỡ khó cho DN, mới đây, Bộ Công Thương đã gửi công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính, rà soát các loại thuế, phí, hỗ trợ giảm chi phí vận tải như: Giảm phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay... làm việc với các hãng vận tải, hãng tàu, nhằm giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giảm phí dịch vụ tại cảng để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ DN sản xuất và DN logistics.
Riêng các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương đề xuất bố trí lực lượng đơn vị chức năng phân luồng, phân tuyến tại đường bộ, nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản lưu thông, điều tiết tiến độ vận chuyển, giao hàng tại khu vực biên giới.
Bộ Công thương đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan, triển khai công tác đảm bảo chống dịch ở các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển… theo hướng tạo thuận lợi cho DN. |