Gỡ 'thẻ vàng' của EC: Các tỉnh Miền trung 'siết' chặt quản lý tàu cá
Tại tỉnh Hà Tĩnh, để gỡ "thẻ vàng", chính quyền đã có nhiều nỗ lực như đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định trong hoạt động khai thác trên biển. Nhiều văn bản đã được ban hành, mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, Hà Tĩnh đã xây dựng chính sách hỗ trợ một lần 70% kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Đây chính là “đòn bẩy” để ngư dân có điều kiện thực hiện theo quy định, đảm bảo trong hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản.
Các tỉnh Miền trung siết chặt quản lý và xử lý những tàu cá vi phạm đánh bắt IUU nhằm nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của EC |
Để giám sát hoạt động tàu cá, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nâng cấp hoàn chỉnh trạm bờ, đảm bảo kết nối đồng bộ với trạm bờ trung tâm và quản lý đội tàu khai thác hoạt động trên các vùng biển xa thông qua báo cáo vị trí bằng tin nhắn, cùng với đó triển khai lắp đặt thiết bị VMS. Đến ngày 12/7 tỉnh Hà Tĩnh đã có 94/136 tàu cá lắp thiết bị VMS giám sát hành trình tàu cá.
Ngành chức năng Hà Tĩnh xác định, công tác tuyên truyền chính là khâu đột phá để người dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nói chung và thực hiện đánh bắt thủy sản đúng quy định nói riêng. Theo đó, ngành NN&PTNN Hà Tĩnh cùng với bộ đội biên phòng ký quy chế phối hợp để triển khai, thực hiện kiểm tra, kiểm soát các tàu cá ra vào cảng. Cùng đó, kiên quyết không cho tàu cá ra khơi nếu các tàu không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Các chủ tàu cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Trong 6 tháng đầu nay, qua các đợt thanh, kiểm tra, cho thấy nhiều chủ tàu đã nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động nghề cá. Tuy nhiên, một số chủ tàu có những hành vi cố ý phạm lỗi, lực lượng chức năng đã thực hiện kiểm soát 2.847 tấn hải sản lên cảng. Lực lượng chức năng và địa phương các cấp đã kiểm tra trên 400 lượt tàu cá, qua đó phát hiện và xử lý 40 trường hợp vi phạm với tổng số tiền trên 550 triệu đồng, tịch thu các ngư cụ và tang vật vi phạm.
Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh - ông Đặng Ngọc Sơn yêu cầu các sở, ngành cần nhận thức rõ tầm quan trọng về vấn đề khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Ông Sơn cũng yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ những việc phải khắc phục để hoàn thành triệt để các yêu cầu của EU; đặc biệt là việc gắn thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá và truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản nhập về, quản lý tàu ra vào cảng. Báo cáo cần xác định rõ nội dung phải khắc phục, nêu rõ từng địa chỉ, điều kiện và thời gian thực hiện để đạt kết quả cao nhất khi thực hiện các giải pháp. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục huy động lực lượng, gắn trách nhiệm cụ thể và giải quyết triệt để tình trạng vi phạm tàu cá.
Lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tàu cá liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) |
Trong khi đó, tại Nghệ An, địa phương cũng quyết liệt trong công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản, chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) trên vùng biển ven bờ, vùng lộng. Ngư dân đã có ý thức chủ động thông báo trước khi cập, rời cảng cá; tuân thủ việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản theo quy định; Phần lớn ngư dân đã chủ động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tuân thủ các quy định trong khai thác thủy sản cũng như chấp hành tốt công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng; Việc giám sát tàu cá từng bước được cải thiện; Nghệ An cũng rất tích cực triển khai thực hiện Luật Thủy sản. Tuy nhiên theo báo cáo tỉnh Nghệ An cho thấy, tình hình chấp hành các quy định pháp luật của ngư dân vẫn chưa cao, có tới 20 - 30% số tàu xuất bến không khai báo, 30 - 50% số tàu không nộp nhật ký khai thác…
Địa phương cũng siết chặt các biện pháp quản lý đội tàu khai thác hải sản trên biển, kiên quyết xử phạt tàu cá vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài; xử phạt tàu cá vi phạm về tắt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị mất kết nối khi hoạt động trên biển. Ngoài ra, các ngành chức năng còn lập danh sách và theo dõi, giám sát để ngăn ngừa các chủ tàu có tàu cá từng vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc đang hành nghề những nghề thường có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài.
Nghệ An vẫn là tỉnh có đội tàu đánh bắt lớn nhất các tỉnh ven biển Miền trung với 3.448 tàu, tổng công suất là 699.032 CV, bình quân công suất là 191,19 CV/tàu. Đến nay đã cơ bản hoạt động tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU như: Thủ tục xuất nhập cảng, thực hiện ghi, nộp nhật ký khai thác cho Ban quản lý các cảng cá…
Nhiều nỗ lực từ phía chính quyền, vừa qua Chi cục Thủy sản Nghệ An phối hợp với các xã, phường ven biển thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu tiến hành rà soát, thống kê tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Qua 3 đợt thực hiện rà soát được 76 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, trong đó có 16 tàu đã bán và giải bản, có 4 tàu đã chìm, 7 tàu đang làm thủ tục cải hoán, tàu đã lắp thiết bị GSHT là 4 tàu và tàu chưa lắp đặt thiết bị GSHT là 43 tàu.
Đáng lưu ý, Chi cục Thuỷ sản Nghệ An mới đây nhất qua 7 ngày từ 6/7 đến 12/7, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiếp cận kiểm tra 67 lượt phương tiện và phát hiện xử phạt 4 phương tiện vi phạm về khai thác thủy sản với tổng số tiền nộp kho bạc nhà nước là 24 triệu đồng liên quan đến lỗi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 mét, hành vi vứt bỏ trái phép ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên, vi phạm về thuyền viên trên tàu cá không có tên trong Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá và tàu cá, hành vi tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản…