Giữ vững tôn chỉ bảo vệ quyền lợi người gửi tiền
Bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống là nguyên tắc xuyên suốt của quy trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo mục tiêu nhiệm vụ của ngành ngân hàng. Trong thời gian tới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẵn sàng tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi
Theo báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, hiện có 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Trong 6 tháng đầu năm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện cấp 113 bản sao và cấp lại 9 chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho tiền gửi của hơn 89 triệu lượt người gửi tiền tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Tổ chức tín dụng bảo vệ quyền lọi người gửi tiền |
Thời gian qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã luôn tập trung triển khai tốt nhiệm vụ chính trị với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao nhất, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng. Có thể kể đến qua 6 tháng đầu năm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện kiểm tra định kỳ đối với 153/280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đạt hơn 54% so với kế hoạch; kiểm tra đối với 21/53 quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước năm 2022; Trong đó ưu tiên tập trung mọi nguồn lực, kịp thời đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công tác kiểm tra. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên địa bàn quản lý, các quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề, kiến nghị kịp thời với Ngân hàng Nhà nước.
Công tác giám sát thường xuyên được tăng cường thực hiện đối với 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên địa bàn quản lý; kết nối, cung cấp, trao đổi thông tin với hoạt động kiểm tra, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước các vấn đề phát sinh, có thể gây rủi ro, mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng tích cực tham gia ý kiến đối với các phương án cơ cấu lại, phương án xử lý đối với quỹ tín dụng nhân dân theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước; tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ về công tác cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; kịp thời nghiên cứu, xây dựng các văn bản quản trị điều hành thống nhất thực hiện trong quá trình tham gia vào kiểm soát đặc biệt như: Hướng dẫn thực hiện Quy chế tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và Quy chế cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động xây dựng phương án chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi để tổ chức thực hiện khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm; thực hiện miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được kiểm soát đặc biệt theo quy định.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng đã hoàn thành thực hiện ký kết Quy chế phối hợp đối với 55/57 Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn hoạt động, đạt 96,5% chỉ tiêu đề ra. Hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh phối hợp làm việc để sớm thống nhất nội dung và thực hiện ký kết Quy chế phối hợp với 02 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố còn lại.
Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chính sách bảo hiểm tiền gửi đến mọi tầng lớp người dân, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chỉ đạo, định hướng các Chi nhánh bảo hiểm tiền gửi khu vực chủ động, linh hoạt thực hiện hiệu quả Kế hoạch truyền thông năm 2022 phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 và hoạt động trên địa bàn quản lý; phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông, báo chí, Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan quản lý báo chí để thực hiện tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi nhằm nâng cao nhận thức và niềm tin của công chúng, của các cơ quan ban ngành đối với hoạt động bảo hiểm tiền gửi, góp phần vào những thành công của ngành Ngân hàng nói chung và của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nói riêng.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm 2022
Trong các tháng cuối năm 2022, trước tình hình thế giới và trong nước còn nhiều diễn biến phức tạp do đại dịch Covid-19, hoạt động của ngành Ngân hàng nói chung và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nói riêng còn nhiều khó khăn, thách thức, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Cụ thể: triển khai kịp thời hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng ủy Khối; tập trung nghiên cứu, soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm tiền gửi; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi; chủ động sẵn sàng các nguồn lực cho công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; chủ động chuẩn bị và sẵn sàng tham gia vào quá trình cơ cấu lại, xử lý các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; hoàn thiện mô hình tổ chức, tăng cường năng lực tài chính, năng lực hoạt động, chú trọng nâng cao trình độ cán bộ, áp dụng công nghệ hiện đại và các chuẩn mực quốc tế về bảo hiểm tiền gửi.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được thời gian qua, toàn hệ thống Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong năm 2022, qua đó góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, đặc biệt là niềm tin của người gửi tiền vào các hoạt động của các tổ chức tín dụng.