Giữ lửa nghề truyền thống
Bằng sự sáng tạo, tài hoa, bao thế hệ cha truyền con nối ở các làng nghề truyền thống của miền Tây Nam bộ đã làm ra nhiều sản phẩm mộc mạc nhưng vẫn có sức hút riêng.
Chung thủy với nghề
Là thế hệ thứ 3 theo nghề truyền thống của gia đình, ông Đinh Công Hoàng (sinh năm 1950 - Tổ trưởng làng nghề tàu hủ ky (váng đậu, phù trúc) Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) vẫn miệt mài với nghề mà cha ông truyền lại bất chấp dòng chảy hối hả của cơ chế thị trường.
Làng hoa Sa Đéc chuẩn bị vào xuân |
Theo ông Hoàng, nhắc đến làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa, phải kể đến ông tổ của nghề này là cụ Châu Phoạnh (đã mất vào năm 1975, khi đó cụ 80 tuổi). Cụ Phoạnh được cho là người đầu tiên ở xã Mỹ Hòa tạo ra món tàu hủ ky hấp dẫn này. Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa đã tồn tại trên 100 năm tuổi. Nơi đây có 29 hộ sản xuất được duy trì và phát triển làng nghề cho đến nay và giải quyết được hàng trăm lao động tại chỗ.
“Nghề này không chỉ giải quyết được việc làm tại địa phương, mà còn giúp cuộc sống của nhiều gia đình vươn lên khá giả, nuôi con trưởng thành. Nếu làm việc chăm chỉ thì thu nhập mỗi tháng trên 10 triệu đồng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, phải chịu khó thức đêm, chịu được cái nóng âm ỉ của lò lửa than...”, ông Hoàng nói.
Trong những ngày cận Tết, nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao ông Hoàng phải thuê trên 10 nhân công làm việc. Với gần 200 chảo nấu, mỗi ngày cơ sở ông sản xuất từ 250 - 300kg tàu hủ ky. Dù hoạt động hết công suất, cả ngày lẫn đêm nhưng cũng không đáp ứng đủ thị trường Tết.
Cách làng nghề tàu hủ ky gần 70km là làng nghề đan lát Long Giang (xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh /chu-de/tinh-an-giang.topic). Làng nghề sản xuất các mặt hàng, như: Rổ, thúng, sề, nia… Giá sản phẩm dao động từ vài chục ngàn đồng đến hàng trăm ngàn đồng. Bên cạnh các mặt hàng truyền thống, thời gian gần đây, làng nghề có nhiều đổi mới, cải tiến mẫu mã, phát triển thêm các sản phẩm có kích thước nhỏ hơn, phục vụ nhu cầu của khách du lịch hay để trang trí ở các hàng quán, khu du lịch…
Tàu hủ ky |
Ông Đinh Hùng Cường - (Tổ trưởng Làng nghề đan lát Long Giang) - cho biết, làng nghề hiện có hơn 80 hộ, với 350 lao động. Trong làng nghề có sự phân chia các công đoạn cho nhiều người cùng làm nên sản phẩm làm ra rất nhanh. Hơn hết, việc phân chia lao động giúp tạo ra sản phẩm đồng đều, dễ tiêu thụ.
“Làng nghề không còn hưng thịnh như trước, tuy nhiên, các hộ trong làng nghề vẫn sống được. Thời điểm cuối năm, nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, đồng nghĩa với việc các sản phẩm của làng nghề này cũng được tiêu thụ nhiều hơn. Nhằm đủ hàng cung ứng, nhiều hộ dân đã tất bật từ trước đó nhiều tháng trong việc chuẩn bị nguyên liệu, cơi nới cơ sở sản xuất và thuê thêm lao động” - ông Cường chia sẻ.
Cũng như các làng nghề trên, những ngày này làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đang tất bật chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Đây là địa điểm được nhiều khách du lịch yêu thích, đặc biệt là những tín đồ đam mê sống ảo vì đó chính là nơi để họ được thỏa thích "diễn", tạo dáng để có những bộ ảnh siêu xinh vào dịp Tết. Theo chính quyền địa phương, hiện trên địa bàn có diện tích trồng hoa hơn 780 ha; trong đó trồng hoa phục vụ Tết 2023 hơn 100 ha, chủ yếu trồng cúc mâm xôi hơn 266.000 giỏ, tăng trên 160.000 giỏ so với Tết năm 2022.
Chuẩn bị cho vụ hoa Tết 2023, anh Trần Văn Thà, ở xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc trồng hơn 1.500 chậu cúc mâm xôi; đây cũng là năm thứ 10 anh gắn bó với giống hoa này. Anh Thà cho biết, nhờ trồng hoa, nhất là bán hoa vào vụ Tết mà gia đình anh có thu nhập ổn định, nuôi nấng con cái trưởng thành.
Thay đổi để bảo tồn giá trị
Có một thực tế là hiện nay, nhiều nghề, làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Vấn đề bảo tồn và phát triển làng nghề theo hướng hài hòa giữa giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng với hội nhập quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện hơn. Trong đó, sự chủ động thích ứng của các làng nghề là yếu tố then chốt nhất.
Đơn cử với làng nghề đan lát Long Giang, ngoài việc bán hàng theo phương thức truyền thống, những năm qua các hộ dân đã xây dựng được thương hiệu riêng. Từ đó, các sản phẩm của làng nghề ngày càng được thị trường chấp nhận. Thông qua địa chỉ website của làng nghề, nhiều khách hàng chủ động liên hệ đặt hàng nên sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết, không có tình trạng tồn đọng. Không chỉ có tiêu thụ trong nước, sản phẩm của làng nghề còn được xuất khẩu sang Campuchia.
Còn với làng hoa Sa Đéc, ngoài việc cung ứng hoa Tết cho thị trường, hầu hết các hộ trồng hoa đã liên kết với nhau để phát triển nơi đây thành một điểm du lịch nổi tiếng. Nơi này thường xuyên tổ chức các lễ hội về hoa, ở mỗi vườn hoa thường được bố trí những tiểu cảnh để du khách check in, “sống ảo”… Thu nhập từ việc phục vụ khách du lịch cũng mang lại nguồn thu không nhỏ.
UBND TP. Sa Đéc cũng chỉ đạo các ngành chức năng thành phố phối hợp với Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh để thuần dưỡng, bảo dưỡng các giống hoa truyền thống; lai tạo, cấy ghép các giống hoa mới... đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của làng hoa.
Trước xu thế hội nhập, để bảo tồn và phát huy thế mạnh của hàng trăm làng nghề truyền thống trong vùng, nhiều địa phương đang áp dụng mô hình kinh tế tập thể, liên kết, liên doanh, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, giúp việc tiêu thụ đạt hiệu quả cao hơn, giá bán ổn định hơn. Cũng nhờ có công nghệ mà vào những ngày cận Tết việc đặt hàng, giao hàng cho khách của người dân ở các làng nghề được thuận lợi hơn. Thông qua các website của địa phương hoặc hội nhóm Zalo, Facebook… người dân dễ dàng tương tác trực tiếp với khách mua ở xa, từ đó chủ động tăng lượng hàng và điều chỉnh mẫu mã theo thị hiếu của khách hàng.