Giảm thuế VAT giúp doanh nghiệp duy trì mạch sản xuất
Khu vực doanh nghiệp được đánh giá là ‘xương sống’ của nền kinh tế, là động lực quan trọng để Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025. Theo đó để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng, Chính phủ vừa quyết định gia hạn, giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp trong năm 2025.
Để hiểu rõ hơn về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: HT |
Chính sách ‘cởi trói’ cho doanh nghiệp
- Để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ vừa quyết định gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp trong năm 2025. Trong khi đó, Bộ Tài chính đang đề xuất giảm thuế VAT đến hết năm 2026. Bên cạnh sự hỗ trợ này, theo ông chúng ta cần có những chính sách gì giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay?
Ông Hoàng Quang Phòng: Có thể nói, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp đã đánh giá rất cao động thái của cơ quan quản lý khi đã kiến nghị Chính phủ giảm thuế VAT.
Bên cạnh đó, khuyến nghị cơ quan chức năng tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp hơn về các chính sách thuế, để doanh nghiệp có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện tại, duy trì được mạch sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các ngành hàng thâm dụng nhiều lao động và ngành có tỉ trọng đóng góp lớn cho xuất khẩu, từ đó nâng cao được quy mô của nền kinh tế đất nước.
Bên cạnh chính sách thuế, cộng đồng doanh nghiệp cũng đặt vấn đề làm sao để vận hành, thực thi hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Vì trên thực tế, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ra đời được thời gian tương đối là dài, nhưng trong quá trình thực thi vẫn chưa đạt được kỳ vọng, đối tượng thụ hưởng từ Luật và Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được như mong muốn.
Để doanh nghiệp hưởng lợi tốt hơn từ các chính sách này, với tư cách cơ quan đại diện quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp. Sắp tới đây chúng tôi sẽ xin ý kiến với các chuyên gia, cơ quan chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước để tìm ra những giải pháp căn cơ, nhằm thúc đẩy thực thi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó mang lại hiệu quả thiết thực với doanh nghiệp.
Giảm thuế VAT sẽ tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp gia tăng cơ hội sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa |
- Tháng 5/2025, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ tiến hành xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có những nội dung liên quan đến môi trường kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng gì ở những quyết sách này, thưa ông?
Ông Hoàng Quang Phòng: Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ đề cập đến nhiều nội dung quan trọng như: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, tinh gọn bộ máy, bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước không bị vướng mắc, gián đoạn, ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, có nhiều điều luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với mong muốn là ‘cởi trói’ cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp đóng góp tích cực hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp.
Với những ý nghĩa đó, cộng đồng doanh nghiệp hoàn toàn tin tưởng, hy vọng sắp tới chúng ta sẽ có một quyết sách quan trọng, tạo động lực phát triển của kinh tế tư nhân, của doanh nghiệp tư nhân, giúp khu vực kinh tế tư nhân được thăng hoa, được cống hiến và có sự đóng góp ngày càng cao trong tỉ trọng phát triển kinh tế của đất nước.
Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn, nhà nước khi đã hoạch định chính sách thì cũng có những văn bản hướng dẫn, tổ chức thực thi chính sách, phân công, phân nhiệm cho các cơ quan quản lý, để doanh nghiệp có thể thực sự được thụ hưởng từ các chính sách này, đáp ứng xu thế phát triển của doanh nghiệp trong kỷ nguyên vươn mới.
Hàng Việt đủ khả năng chinh phục thị trường nội địa
- Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu còn khó khăn, thị trường nội địa sẽ là một giải pháp an toàn cho doanh nghiệp trong nước. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Ông Hoàng Quang Phòng: Thị trường trong nước có quy mô rộng lớn, với trên 100 triệu dân, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có xu thế tiêu dùng yêu mến và ưa chuộng hàng Việt, đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Nhiều sản phẩm mang thương hiệu ‘Made by Viet Nam’, ‘Make in Viet Nam’ đã và đang chứng minh được tính ưu việt của sản phẩm. Các sản phẩm này đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới và được chấp nhận, nên hoàn toàn có thể chinh phục được người tiêu dùng trong nước.
Thực tế cũng chứng minh, nhiều hàng hóa của doanh nghiệp trong nước sản xuất thời gian qua đã được tiêu thụ tại thị trường nội địa, được người tiêu dùng trong nước tin tưởng và đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội tại thị trường nội địa, với 17 Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam có rất nhiều cơ hội để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới bên cạnh những thị trường truyền thống.
Trong bối cảnh đó, tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng có thêm những chính sách hỗ trợ thiết thực, để sản phẩm của doanh nghiệp Việt hiện diện ngày càng nhiều không chỉ tại thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Với chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng, cơ hội để chinh phục thành công thị trường nội địa. Thị trường nội địa chính là giải pháp an toàn cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp rủi ro. |