Thứ sáu 22/11/2024 18:13

Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu

Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành đề xuất của Chính phủ việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội

Ngày 20/9, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã có Báo cáo số 442 tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý đối với dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tại phiên họp

Về điều kiện hưởng lương hưu (Điều 64), về số năm đóng bảo hiểm tối thiểu để được hưởng lương hưu, trong Ủy ban có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với đề xuất của Chính phủ việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ quy định 20 năm như hiện hành để đảm bảo tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm một mức sàn an sinh xã hội nhất định và cho rằng, việc quy định giảm xuống còn 15 năm dễ tạo điều kiện để người tham gia nhiều lần “rút bảo hiểm một lần”, nhất là trong bối cảnh số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng hiện nay.

"Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất và thấy rằng: Việc bảo đảm số năm tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để được hưởng chế độ hưu trí tối thiểu đầy đủ mà còn phải bảo đảm cả điều kiện về tuổi nghỉ hưu" - bà Nguyễn Thúy Anh cho hay.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, quy định giảm số năm đóng bảo hiểm để hưởng chế độ hưu trí sẽ hấp dẫn người lao động hơn, tỷ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tăng trong trung và dài hạn, tạo điều kiện cho người lao động nhiều tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội, cải thiện tính công bằng. Việc điều chỉnh giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu lần này là thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 28.

Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội đối với nam từ 20 năm xuống 15 năm và mức hưởng tiền lương tối thiểu (mức sàn) đối với đối tượng này chỉ còn 33,75% so với mức lương đóng bảo hiểm xã hội, nếu đóng bảo hiểm xã hội 20 năm sẽ là 45% như hiện hành; đối với nữ là 15 năm và mức hưởng 45% như hiện hành. Điều này phù hợp Tờ trình và Hồ sơ dự án Luật khi giới hạn phạm vi sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên công thức tính lương hưu.

Việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết để khuyến khích người lao động, người có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội không liên tục bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội.

Cho dù trong trường hợp khi hưởng mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài và đầy đủ nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và trong thời gian hưởng lương hưu còn được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế, khi mất có chế độ tiền tuất thì sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động và nhiều người cao tuổi được hưởng lợi từ chính sách này.

Mặc dù đa số ý kiến trong Ủy ban Xã hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất, song do còn ý kiến khác nhau, để có cơ sở vững chắc giúp Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ cần phải giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về khía cạnh chia sẻ của bảo hiểm xã hội, khía cạnh kinh tế của vấn đề hay việc thay đổi quan điểm về mức sàn an sinh xã hội tối thiểu khi sửa đổi luật lần này.

Bên cạnh đó, cần thể hiện rõ quan điểm về lương hưu của một số nhóm lao động (bán chuyên trách xã, thôn) sẽ hưởng mức lương hưu thấp hơn chuẩn nghèo, thì khi đó điều chỉnh để cao hơn không, dự báo về nguồn ngân sách sẽ chi trả? Đặc biệt, cần làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi hơn và giải thích đầy đủ, thấu đáo để người lao động, dư luận xã hội hiểu rõ và đồng thuận.

Phải chặt chẽ trong quy định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần

Về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (Điều 68), Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, về cơ bản, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và không thay đổi cách tính lương hưu, mức đóng - hưởng.

Tuy nhiên, quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với những người có số năm đóng đạt được và vượt tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (Điều 68) thì nhiều ý kiến cho rằng, sửa luật lần này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc những người tham gia không liên tục, song lại chưa khắc phục được hạn chế mà được cho là thiệt thòi đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội sớm và ở lại hệ thống lâu dài.

Do đó, có ý kiến cho rằng, nên xem xét, nghiên cứu để có thể bổ sung chính sách khuyến khích đối với những người tham gia sớm và ở lại lâu dài với hệ thống theo hướng có thể nghiên cứu quy định tương tự như việc khuyến khích tham gia bảo hiểm y tế liên tục từ 5 năm trở lên.

Về bảo hiểm xã hội một lần (điểm đ khoản 1 Điều 70 và điểm đ khoản 1 Điều 102 của dự thảo Luật), Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động.

Như vậy, cần phải tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung.

Đồng thời, cần hết sức lưu ý quan tâm việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là quy định về bảo hiểm xã hội một lần, để thống nhất nhận thức về mục tiêu của chính sách, đó là khi có việc làm thì người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm hằng tháng trích một phần tiền lương, thu nhập (người lao động 8%, người sử dụng lao động 14%) để đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí để khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc suy giảm khả năng lao động thì người lao động được hưởng lương hưu hằng tháng (rút từ tiền của người lao động, người sử dụng lao động đã đóng và tích lũy).

Vì vậy, phải “chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần” như Nghị quyết số 28 đã xác định, hướng tới việc hạn chế tối đa việc người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mới có thể thực hiện được mục tiêu mở rộng độ bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân sau độ tuổi lao động.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Bảo hiểm xã hội

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và phát biểu tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Bế mạc Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài: Cần đẩy nhanh đầu tư các dự án năng lượng tái tạo

Đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải nộp thuế

Nhiều tham luận tại Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Chuyến công tác của Thủ tướng khẳng định uy tín, tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam-Brazil và Việt Nam-Dominica

Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số

Khai mạc Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Dominica đang mở ra nhiều triển vọng hợp tác

Thủ tướng đề nghị triển khai ngay các dự án thương mại, đầu tư Việt Nam-Dominica

Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominica

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Hạ viện Malaysia tăng cường hợp tác chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam

Việt Nam và Malaysia nhất trí thúc đẩy hợp tác hải quân

Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Malaysia

Phản ứng của Việt Nam về những động thái mới của Philippines tại Biển Đông

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Malaysia

Bộ Ngoại giao thông tin về việc tiếp nhận 5 máy bay huấn luyện từ Hoa Kỳ

Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc