Giải quyết việc làm cho vận động viên thể thao sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao còn khó khăn
Chính sách đãi ngộ còn hạn chế
Tại báo cáo về công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ, chính sách đối với vận động viên thể thao; giải quyết việc làm cho /chu-de/van-dong-vien.topic sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết với sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn ngành thể thao, đặc biệt là sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, thể thao Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Để giải quyết việc làm có tính chất căn cơ cho vận động viên thể thao còn nhiều khó khăn. Ảnh: TTXVN |
Đối với công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên thể thao, theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, bên cạnh nhiều kết quả tích cực còn những tồn tại và hạn chế. Đó là, đầu tư cho công tác đào tạo tài năng thể thao tuy có tăng hằng năm, song còn thấp so với nhu cầu; chưa đảm bảo nguồn lực đầu tư đúng mức theo tinh thần Nghị quyết 08- NQ/TW, dẫn đến sự hẫng hụt lực lượng vận động viên kế cận trong các đội tuyển Quốc gia. Hệ thống các giải thi đấu thể thao trẻ trên phạm vi cả nước còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
Tổ chức và hoạt động của một số Liên đoàn, Hiệp hội thể thao Quốc gia chưa thích nghi được với xu thế quốc tế, thiếu tính chủ động vì chưa có khả năng tự chủ về tài chính, do đó sự đóng góp vào công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao chưa tương xứng với kỳ vọng. Chưa thu hút và phát huy được tiềm năng to lớn của các nguồn lực xã hội tham gia công tác phát hiện năng khiếu, tuyển chọn đào tạo và bồi dưỡng tài năng thể thao trẻ.
Trước thực trạng hiện nay, một trong những nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu rõ đó là trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm trong giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 để trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định mục tiêu, lộ trình, đối tượng, phương thức và giải pháp đầu tư cho từng nhóm môn và nội dung thể thao trọng điểm, ứng với từng kỳ Olympic và ASIAD. Đồng thời xác định địa bàn đào tạo để có hướng phân cấp, cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan liên quan trong công tác đào tạo lực lượng vận động viên trọng điểm.
Liên quan đến vấn đề chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, với những kết quả đạt được thì so với nhiều nước trên thế giới, các chính sách đãi ngộ đối với vận động viên thể thao ở nước ta còn hạn chế. Trong đó, chế độ tiền lương đối với vận động viên các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP còn thấp.
Mặt khác, tiền lương đối với vận động viên thể thao thấp dẫn tới khó khăn trong thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao. Chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên thể thao còn thấp, khó đáp ứng đối với một số môn thể thao có cường độ tập luyện ở mức độ cao.
Một số địa phương tuy đã áp dụng chế độ đặc thù đối với vận động viên tài năng như hỗ trợ tiền lương đối với vận động đạt thành tích cao tại các kỳ Đại hội thể thao quốc tế hoặc trong chu kỳ tập luyện để chuẩn bị tham dự Đại hội Thể thao quốc tế, nhưng đa số các địa phương chưa thể ban hành cơ chế đặc thù do nguồn lực đầu tư cho thể thao còn hạn chế.
Hỗ trợ việc làm cho vận động viên sau thi đấu đỉnh cao
Đặc biệt, đề cập đến giải quyết việc làm cho vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thông tin đã tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành một số Nghị định quan trọng.
Trong thời gian tới, theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục tập trung rà soát, nghiên cứu và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề cho vận động viên để sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao sẽ đáp ứng đủ điều kiện tuyển chọn vào vị trí việc làm phù hợp.
Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động thể thao chuyên nghiệp cho các vận động viên để đáp ứng yêu cầu về năng lực, chuyên môn làm việc trong các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao, các tổ chức thể thao ngoài công lập.
Về vấn đề này, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, ngày 6/6, đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu rõ, hiện đa số các vận động viên đều chung nỗi lo sẽ làm công việc gì sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu. Sau khi giải nghệ, chỉ có số ít vận động viên được chuyển sang làm công tác huấn luyện hoặc các công việc khác liên quan đến thể thao, kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 5, Điều 7 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, cần bảo đảm việc học tập văn hóa, chính trị cho vận động viên, ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm cho vận động viên thành công. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên sau khi giải nghệ?
Trả lời chất vấn đại biểu Trần Quang Minh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề thể thao, có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm động viên, khích lệ đội ngũ thể thao thành tích cao đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Tuy nhiên, đúng như đại biểu chia sẻ, để giải quyết việc làm có tính chất căn cơ cho vận động viên thể thao cũng còn nhiều khó khăn.
"Không phải tất cả các vận động viên đều được trở về các cơ quan để làm huấn luyện trong các đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước quản lý, vì vậy giải pháp về lâu dài là tiếp tục đổi mới cách tiếp cận để giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau"- ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Tư lệnh ngành văn hoá, thể thao và du lịch cho biết thêm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành tập trung đánh giá tổng thể hệ thống chính sách vừa qua; đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách mới, trong đó hỗ trợ về nhà ở, công việc cho vận động viên thể thao...