Giải pháp nào kìm đà tăng giá phân bón?
Giá phân bón chưa có dấu hiệu giảm
Tại thời điểm này, các loại phân bón như: DAP, ure và kali tăng 20.000-50.000 đồng/bao (50kg). Đặc biệt, giá phân bón ure tăng rất cao, ure Cà Mau lên mức 590.000-620.000 đồng/bao, ure Phú Mỹ 580.000-600.000 đồng/bao. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2020, giá loại phân này đã tăng khoảng 3 triệu đồng/tấn, mức tăng hiếm thấy từ trước đến nay với thị trường phân bón.
Cần có những giải pháp để kìm lại đà tăng giá của phân bón, tăng sản xuất và bình ổn thị trường hơn |
Chia sẻ thông tin về giá phân bón tăng, ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cho rằng, 6 tháng năm 2021 giá phân bón DAP, ure tăng khá cao. Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, giá DAP tháng 4/2021 tăng 54% so với tháng 9/2020. Nguyên nhân của việc tăng giá trên được giải thích là do giá tăng nguyên liệu, đơn cử amoniac tháng 4/2021 tăng tới 60% so với tháng 9/2020, giá vận chuyển tăng, do dịch Covid-19 khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Phân tích kỹ hơn, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) chỉ ra, nguyên liệu sản xuất phân bón tăng và chi phí vận tải tăng chính là lí do đẩy giá phân bón tăng. Cụ thể, lưu huỳnh và amoniac là hai nguyên vật liệu chiếm tỷ lệ chi phí cao để sản xuất 2 loại phân bón DAP và MAP. Hiện nay giá lưu huỳnh về tới các nhà máy sản xuất tăng hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn tăng lên 208 USD/tấn và giá amoniac tăng 31,4%, tương đương mức tăng 120 USD/tấn. Cộng với giá vận chuyển tăng từ 3 - 5 lần…
Cũng theo Cục Hóa chất, hiện nay 3 nhà máy sản xuất phân bón DAP và MAP của Việt Nam có công suất 710.000 tấn/năm, trong khi đó nhu cầu phân bón DAP và MAP của Việt Nam khoảng 1 triệu tấn/năm, do đó cơ bản 3 nhà máy này đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước. Việc có nguồn sản xuất trong nước là yếu tố giúp kìm hãm mức độ tăng giá chung của mặt hàng DAP, MAP nói riêng cũng như phân bón nói chung.
Tăng cường sản xuất, cung ứng phân bón tại thị trường nội địa
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường phân bón Việt Nam liên thông với thị trường thế giới. Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nên có độ mở cao. Mọi biến động về giá trên thị trường thế giới sẽ có tác động trực tiếp tới giá phân bón trong nước. Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam cần giải pháp để kìm lại đà tăng giá của phân bón, tăng sản xuất và bình ổn thị trường hơn.
Để ổn định giá phân bón trong nước trước thềm vụ hè thu, theo ông Phùng Hà, về phía các doanh nghiệp cần tranh thủ đẩy mạnh sản xuất trong nước, ưu tiên cho thị trường trong nước tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đẩy giá. "Nếu thiếu mặt hàng phân bón nào thì có thể sử dụng mặt hàng tương tự để thay thế. Hiện các nhà máy lớn đang hoạt động tăng tối đa công suất sản xuất phân bón ure, DAP, MAP… để cung ứng ra thị trường" - ông Phùng Hà gợi mở.
Về phía Bộ Công Thương, trước đó, ngày 11/3/2021 đã ban hành Công văn số 1321/BCT- HC về việc tăng cường các hoạt động sản xuất và cung ứng phân bón trên thị trường nội địa gửi tới một số tập đoàn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón.
Nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ lượng phân bón, tạo sự yên tâm cho người nông dân để sản xuất trong giai đoạn hiện nay và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cả năm 2021, Bộ Công Thương khuyến khích và đề nghị các tập đoàn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam chủ động chỉ đạo các đơn vị thành viên, trực tiếp thực hiện và phối hợp liên kết triển khai các hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón.
“Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cần chủ động tìm kiếm cân đối nguồn sản phẩm và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón, đặc biệt là nguồn nhập khẩu, đảm bảo chất lượng với chi phí và giá thành phù hợp; tăng cường liên kết trong việc cung ứng nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ, phát huy tối đa công suất sản xuất cũng như năng lực sản xuất trong nước, phối hợp với các đại lý và nhà cung ứng khác để cung ứng nhanh và kịp thời đến các điểm tiêu thụ trong nước”- công văn của Bộ Công Thương nêu rõ.
Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu để kinh doanh cần chủ động cân đối nguồn hàng có chất lượng và giá cả phù hợp nhằm cung ứng nhanh chóng các sản phẩm phân bón có chất lượng tốt một cách phù hợp đến tay người sử dụng; gia tăng tìm kiếm, kết nối với các đơn vị sản xuất trong nước để đặt hàng, thúc đẩy khả năng lưu thông và phân phối các sản phẩm phân bón trong nước.
Ngoài ra, một giải pháp để giá bán phân bón trong nước hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân, theo Cục Hóa chất cần sớm sửa đổi những bất cập trong Luật Thuế 71/2014/QH13, có hiệu lực từ năm 2015. Khi phân bón thuộc diện hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng, các dự án đầu tư sản xuất phân bón cũng như các dự án cải tạo kỹ thuật sản xuất sẽ được khấu trừ chi phí trang thiết bị, công nghệ, do đó sẽ giảm chi phí giá thành và gián tiếp góp phần giảm giá bán phân bón trên thị trường.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình và kiến nghị những giải pháp phù hợp với diễn biến thị trường phân bón. |