Thứ bảy 28/12/2024 17:22

Giải pháp nào để giảm áp lực lạm phát cho năm 2024?

Áp lực lạm phát năm 2024 khá lớn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giả cả, lạm phát thế giới và có giải pháp ứng phó kịp thời.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá - Tổng cục Thống kê dự báo, áp lực lạm phát trong năm 2024 vẫn khá lớn, theo đó để kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu đề ra, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá - Tổng cục Thống kê

Năm 2023, Việt Nam kiểm soát lạm phát ở mức 3,25%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%. Bà đánh giá như thế nào về kết quả trên?

Chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022, lạm phát đã được kiểm soát dưới ngưỡng cho phép của Quốc hội. Đây là mức lạm phát phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội ở trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, là điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2023, đặc biệt trong bối cảnh thị trường hàng hóa thế giới trong năm có nhiều biến động và kiểm soát lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong năm 2023, nhiều quốc gia đã tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Ở Mỹ, sau thời gian liên tục tăng lãi suất, từ tháng 7/2023 FED đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất 5,25-5,5%, cao nhất trong vòng 22 năm nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Ngân hàng trung ương châu Âu cũng tiếp tục giữ mức lãi suất cao kỷ lục 4%. Việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt cùng với giá năng lượng giảm đã giúp cho lạm phát của các quốc gia dần hạ nhiệt, tuy nhiên vẫn cao hơn so với lạm phát mục tiêu đề ra. IMF dự báo lạm phát bình quân toàn cầu năm 2023 ở mức 6,9%.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Việt Nam đạt được mức lạm phát 3,25% là một thành công, tạo đà cho kiểm soát lạm phát năm 2024. Trong năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng tháng Một tăng cao với 4,89%, áp lực lạm phát rất lớn nhưng sau đó đã giảm dần, đến tháng Sáu mức tăng chỉ còn 2%, đến tháng Mười Hai tăng 3,58%, bình quân cả năm 2023 lạm phát ở mức 3,25%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Có được kết quả như vậy là do trong năm nhiều giải pháp được tích cực triển khai như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/7/2023; giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; gia hạn visa cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Theo đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm. Ngoài ra, giá một số mặt hàng giảm theo giá thế giới cũng đã góp phần giúp giảm áp lực lạm phát như giá xăng dầu bình quân năm 2023 giảm 11,02% so với năm 2022, giá gas giảm 6,94%. Vì vậy, năm 2023 Việt Nam đã thành công trong kiểm soát lạm phát.

Nhiều dự báo cho rằng, lạm phát năm 2024 vẫn rất cao

Nhiều dự báo cho rằng, áp lực lạm phát trong năm 2024 vẫn rất cao. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?

Theo đánh giá của chúng tôi, tăng trưởng kinh tế năm 2024 của thế giới cũng như trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tổng cầu tiêu dùng chưa thể phục hồi mạnh mẽ nên áp lực từ lạm phát cầu kéo sẽ không lớn và với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ trong những năm vừa qua thì chúng tôi cho rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4%- 4,5% đã được Quốc hội thông qua là khả thi.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên chủ quan vì theo dự báo của các tổ chức quốc tế thì tình hình kinh tế, chính trị của thế giới trong năm 2024 có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều yếu tố rủi ro khó lường. Theo báo cáo mới nhất của IMF, dự báo lạm phát toàn cầu năm 2024 tuy sẽ hạ nhiệt so với năm 2023 nhưng vẫn ở mức cao là 5,8%. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên những thay đổi của kinh tế thế giới sẽ tác động rất nhanh tới nền kinh tế của chúng ta.

Chúng tôi đánh giá có một số yếu tố chính có thể tạo áp lực lên lạm phát của Việt Nam năm 2024 mà chủ yếu là lạm phát chi phí đẩy:

Mặc dù giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trong nước cũng như thế giới nhìn chung có xu hướng giảm trong năm 2023 nhưng vẫn đang ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp và tạo áp lực tăng giá đối với hàng hóa tiêu dùng. Thêm vào đó, giá hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá các mặt hàng năng lượng, nhiên liệu biến động khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tạo nên các cú sốc cho lạm phát năm 2024. Hiện nay xung đột giữa Nga và Ukraine, giữa Israel và Hamas chưa biết bao giờ kết thúc, đồng thời những bất ổn ở biển Đỏ làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển, từ đó có thể sẽ ảnh hưởng đến giá nguyên nhiên vật liệu.

Điện là mặt hàng rất quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng nên có tác động trực tiếp khá lớn tới lạm phát. Năm 2023, sau 4 năm không tăng giá, EVN đã điều chỉnh 2 lần giá bán lẻ điện bình quân vào tháng 5 và tháng 11, tuy nhiên mức điều chỉnh không cao, chỉ tăng 3% và 4,5% và lần điều chỉnh thứ hai vào cuối năm nên tác động rất ít tới chỉ số giá tiêu dùng của năm 2023 nhưng sự tác động sẽ thể hiện rõ ràng hơn trong năm 2024. Thêm vào đó, có khả năng giá bán lẻ điện bình quân sẽ tiếp tục những lần điều chỉnh trong năm 2024 khi mà nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng lên cùng với sự biến đổi khí hậu gây nên thời tiết cực đoan, từ đó tạo áp lực lên lạm phát.

Giá gạo trong nước dự báo tiếp tục xu hướng tăng theo giá gạo thế giới do Ấn Độ, Nga, UAE hạn chế hoặc cấm xuất khẩu gạo và sự tác động của El Nino có thể gây căng thẳng hơn nữa đối với thị trường gạo toàn cầu, làm trầm trọng lạm phát giá lương thực trong thời gian tới, từ đó tác động tới giá trong nước.

Việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục sẽ tác động mạnh tới chỉ số giá tiêu dùng năm 2024.

Ngoài ra, theo dự kiến, từ 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương khu vực Nhà nước, đồng thời lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng 6% có thể là yếu tố làm gia tăng kỳ vọng lạm phát, sẽ khiến cho giá các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng lên. Giá vật liệu xây dựng có thể tăng lên theo chiều hướng phục hồi của thị trường bất động sản. Các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công một mặt giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng mặt khác có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố có khả năng tạo áp lực lên lạm phát cũng có những yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Lạm phát toàn cầu hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát; một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2023 được tiếp tục thực hiện trong năm 2024 như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ; với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào sẽ giúp Việt Nam giảm bớt áp lực lạm phát trong bối cảnh đang xuất hiện nhiều rủi ro, thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.

Các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas...) để có giải pháp điều hành phù hợp

Vậy giải pháp nào để chúng ta có thể kiểm soát lạm phát năm 2024 đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, thưa bà?

Theo tôi, trước tiên Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Cùng với đó, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị khó lường, phức tạp.

Các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas...) để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp cuối năm nhằm hạn chế tăng giá. Đồng thời cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2024 cần phải xây dựng kế hoạch, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Cần sớm lên phương án, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để tránh bị động trong phối hợp chính sách.

Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.

Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Hoà (thực hiện)
Bài viết cùng chủ đề: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Tin cùng chuyên mục

Giá heo hơi hôm nay 28/12/2024: Miền Bắc duy trì đà giảm

Giá bạc hôm nay 28/12/2024: Bạc tăng sát theo đà giá vàng

Tỷ giá Yen Nhật hôm nay 28/12/2024: Đồng Yên Nhật tiếp tục giảm tại các ngân hàng

Tỷ giá USD hôm nay 28/12/2024: Giảm nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần

Giá cà phê hôm nay 28/12/2024: Cà phê thế giới 'lao dốc'

Giá xăng dầu hôm nay 28/12/2024: Bật tăng phiên cuối tuần

Giá tiêu hôm nay 28/12/2024: Giá tiêu trong nước hôm nay giữ đà tăng

Giá vàng hôm nay 28/12/2024: Đồng loạt tăng cao

Dự báo giá cà phê ngày mai 28/12/2024: Giá cà phê trong nước quay đầu giảm

Dự báo giá tiêu ngày mai 28/12/2024: Giá tiêu trong nước ngày mai tiếp tục tăng

Giá lúa gạo hôm nay ngày 27/12: Gạo các loại vững giá, lúa giảm mạnh

Thị trường hàng hóa hôm nay 27/12: Giá ca cao giảm 7% do áp lực chốt lời

Giá heo hơi hôm nay 27/12/2024: Biến động trái chiều ở 2 miền Bắc – Nam

Giá bạc hôm nay 27/12/2024: Bạc thế giới ngược chiều bạc trong nước

Tỷ giá Yen Nhật hôm nay 27/12/2024: Đồng Yên Nhật tăng giảm trái chiều giữa các ngân hàng

Giá cà phê hôm nay 27/12/2024: Giá cà phê trong nước tăng đều

Giá tiêu hôm nay 27/12/2024: Giá tiêu trong nước hôm nay tăng cao

Tỷ giá USD hôm nay 27/12/2024: Chỉ số DXY trên ngưỡng 108

Giá xăng dầu hôm nay 27/12/2024: Đồng loạt giảm

Giá vàng hôm nay 27/12/2024: Bật tăng