Giải pháp hiệu quả bảo vệ doanh nghiệp
Các DN phải đạt yêu cầu cấp phép sản xuất và kinh doanh |
Doanh nghiệp điêu đứng
Tại tỉnh Long An - một trong những “điểm nóng” kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng - Nhà máy Phân bón Năm Sao (huyện Cần Đước) đang gặp vô vàn khó khăn. Theo ông Tạ Hoàng Nguyên - Giám đốc Kinh doanh tiếp thị nhà máy - nhiều cơ sở nhỏ lẻ không đáp ứng được quy định sản xuất phân bón nhưng vẫn tham gia sản xuất, dẫn đến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan, gây kho cho các DN.
Sản phẩm phân bón Bình Điền là thương hiệu có tiếng tại thị trường phía Nam nhưng cũng gặp không ít khó khăn bởi phân bón giả. Ông Phan Văn Tâm - Giám đốc Tiếp thị Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền - chia sẻ: Thương hiệu Đầu Trâu của Bình Điền bị làm giả nhiều nhất. Đối tượng làm phân bón giả thường đưa hàng đến tận tay người nông dân, trên bao bì ghi hàm lượng rất cụ thể, đầy đủ nhưng thực tế, sản phẩm rất kém chất lượng.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) - Dương Chí Hội cho biết: Gần đây, khu vực miền Bắc xuất hiện tình trạng dùng bao phân đạm Phú Mỹ đựng urê Trung Quốc để bán lẻ cho nông dân với giá bán của công ty. Hầu như tháng nào, cơ quan chức năng cũng xử lý vài vụ liên quan đến phân bón Phú Mỹ.
Đối với vấn nạn trên, ông Dương Văn Hoàng Hoanh – Phó giám đốc Sở Công Thương Long An - thừa nhận: Long An hiện có 80 cơ sở sản xuất và 600 cơ sở kinh doanh phân bón vô cơ. Mỗi DN đều có nhiều chủng loại phân bón với hàng ngàn loại, trong đó không ít phân bón giả, nhái, kém chất lượng.
Không chỉ Long An, thực trạng kinh doanh phân bón, hóa chất giả cũng diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - lo lắng: Thành phố có 76 DN sản xuất phân bón, trong đó 17 đơn vị có cơ sở sản xuất đặt tại thành phố, còn lại trên địa bàn các tỉnh lân cận như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai... Do đó, khâu quản lý gặp nhiều khó khăn.
Kiểm soát ngay từ khâu quản lý
Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - cho rằng, để kiểm soát thị trường phân bón, Bộ Công Thương sẽ quyết liệt chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát DN, yêu cầu phải có giấy phép. DN nào không có giấy phép sản xuất phân bón vô cơ trước ngày 1/2/2016, đề xuất đình chỉ dừng, khi nào có giấy phép mới được sản xuất. DN nào cố tình bán sản phẩm khi chưa được cấp phép sẽ bị coi là hàng giả hoặc hàng hóa sản xuất không phép. “Quan điểm của Cục Hóa chất là tăng cường quản lý xuất xứ, bao bì, nhãn mác… một cách triệt đê” - ông Thanh nhấn mạnh.
Để siết chặt quản lý đối với mặt hàng phân bón vô cơ trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu ngành Công Thương các địa phương phải quyết liệt trong việc cấp phép kinh doanh cho DN sản xuất phân bón trên cơ sở Nghị định 202 và Thông tư 29 của Bộ Công Thương.
Cục Hóa chất đã cấp Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ cho gần 180 DN; Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp cho 20 DN. Số DN được cấp phép rất ít so với khoảng 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón đang hoạt động. |