Giá xăng dầu “nóng” nghị trường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại thuế, phí
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 8/6, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nêu vấn đề, thời gian qua, giá xăng, dầu trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và hiện đang đứng ở mức cao.
Hiện, có nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần tiếp tục có các biện pháp về giảm các khoản thuế đang thu vào xăng, dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính |
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá xăng dầu hiện nay tăng cao, tuy nhiên nếu so với các nước xung quanh Việt Nam, thì giá xăng, dầu của Lào vẫn cao hơn giá của chúng ta khoảng 10.000 đến 11.000 đồng và giá của Thái Lan và Campuchia cũng cao hơn ta từ 2.000-3000 đồng/lít.
Vậy hiện nay giá xăng, dầu của chúng ta đã lên cao thì có giảm thuế không, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Về giảm thuế môi trường trong xăng, dầu, trước đây, đối với xăng là 4.000 đồng một lít, chúng tôi đã đề xuất tại thời gian vừa qua, được Thường vụ Quốc hội chấp thuận là giảm 2.000 đồng (giảm 50%). Như vậy, cả nước giảm mất 24.000 tỷ tiền thu ngân sách.
“Bây giờ dư địa còn 2.000 đồng. Theo quy định của luật, Thường vụ Quốc hội chỉ được quyết định giảm thêm 1.000 đồng nữa, còn nếu muốn giảm tiếp 2.000 đồng giá thuế môi trường trong xăng dầu thì thẩm quyền của Quốc hội” - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.
Còn các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu hay thuế VAT. Thuế nhập khẩu hiện nay là 8%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% và thuế VAT là 10%. “Có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nữa hay không thì cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Nhưng trước mắt, Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động và sẽ báo cáo với Chính phủ để trình với Thường vụ Quốc hội và Thường vụ Quốc hội giải trình với Quốc hội để có thể giảm thuế trong xăng dầu, để giảm giá xăng dầu xuống.
Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện một chính sách đồng bộ, nếu chúng ta chỉ giảm thuế để giảm giá xuống mà để buôn lậu xảy ra thì vô hình chung là dòng tiền của chúng ta lại chạy sang nước ngoài như sang Lào, Campuchia, Thái Lan.
Bên cạnh đó, giá không chỉ phụ thuộc vào vấn đề thuế mà còn phụ thuộc vào vấn đề quan hệ cung - cầu. Đồng thời, cần phải đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Trước đây, chúng tôi định có văn bản đề nghị với Chính phủ để đề nghị với Quốc hộiủy quyền cho Thường vụ Quốc hội để quyết định thuế trong xăng dầu để linh hoạt, bởi Quốc hội 6 tháng họp một lần.
“Tuy nhiên sau khi đối chiếu Hiến pháp, chúng tôi thấy các quy định nghĩa vụ thuế là theo quy định của pháp luật. Cho nên chỉ khi được Quốc hội đồng ý thì chúng tôi mới có cơ sở để trình” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ thêm.
Tranh luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Thân - đoàn Thái Bình tiếp tục đặt vấn đề, kinh tế của chúng ta là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, cho nên can thiệp vào giá xăng dầu quá nhiều thì không vận hành phù hợp với giá thị trường, hãy để giá đó tăng, giảm tự nhiên theo thế giới, bởi nếu giảm cái này sẽ ảnh hưởng cái khác. Theo đó, nên can thiệp đúng mức, không thể theo hướng giá rẻ nhất với các nước xung quanh.
Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Thân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá, do Nhà nước bình ổn, vì vậy cho nên đến một lúc nào đó thì Nhà nước phải can thiệp vào để giảm giá xăng dầu. Việc giảm giá xăng dầu sẽ có lợi ích là giảm được giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sức cạnh tranh và giải quyết được lao động, từ đó sẽ có tích lũy cho nền kinh tế.
Chúng ta lại thu được thuế thông qua giá trị gia tăng của nền kinh tế, VAT và thu nhập doanh nghiệp ở các mặt hàng khác. Vì vậy, đây cũng là một giải pháp, tuy nhiên, giảm đến mức nào thì phải đánh giá tác động.
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính về thuế xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng rà soát lại các loại thuế và phí. Cái nào là trách nhiệm của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ.
Ví dụ như biểu thuế xuất nhập khẩu mà thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở là trách nhiệm của ai? Có phải của Chính phủ không, không phải thuế nào cũng là Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài những vấn đề công cụ về thuế thì vấn đề trợ giúp trực tiếp cho những đối tượng bị tác động nặng như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu, như vấn đề hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ, cho lĩnh vực giao thông vận tải hay cho người nghèo, người thu nhập thấp.
“Chúng ta phải nghiên cứu một cách toàn diện các công cụ và các giải pháp. Vì giá phải quản lý theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.