Giá xăng dầu hôm nay 21/9 biến động ra sao?
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), bất chấp mở cửa phiên thuận lợi, giá dầu chịu lực bán trở lại trong cuối phiên, theo đà chung của các tài sản rủi ro. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/09, giá WTI giảm 1,66% xuống 83,94 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 1,39% USD/thùng xuống 89,4 USD/thùng.
Dầu thô mở cửa trong sắc xanh, khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào sự bất ổn nguồn cung sẽ là yếu tố hỗ trợ đối với giá dầu. Trong tháng 8,các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh OPEC+ thấp hơn so với hạn ngạch 3,58 triệu thùng/ngày, tương đương 3,5% nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới. Hai nguyên nhân chính là sự sụt giảm sản lượng tại Nigeria do nhiều năm thiếu hụt các khoản đầu tư vào đường ống dẫn dầu, kết hợp với nhu cầu sụt giảm cho dầu Nga.
Tuy vậy, giá chịu sức ép trở lại trong phiên tối, trước sức ép của các yếu tố vĩ mô. Ngân hàng trung ương Thụy sĩ bất ngờ tăng lãi suất thêm 100 điểm phần trăm và cảnh báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới. Tuần này, bên cạnh Mỹ, ngân hàng trung ương Anh, Na Uy, Nga cũng sẽ tổ chức các cuộc họp về chính sách tiền tệ. Sự khởi đầu không mấy thuận lợi của Thụy Sỹ đã gia tăng tâm lý lo ngại rủi ro của thị trường.
Dollar Mỹ tăng mạnh trong phiên, tiệm cận vùng đỉnh 20 năm trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất trong vòng 15 năm, khi thị trường phần lớn kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục duy trì tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm trong cuộc họp này. Thực chất, điều thị trường lo ngại hơn đó là khả mức lãi suất lãi suất cuối cùng trong năm nay, vốn đang được kỳ vọng ở mức 4,25-4,5%. Do đó, các thông tin đáng chú ý sẽ là phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell và các dự báo kinh tế trong giai đoạn tới. Phát biểu kém lạc quan về tình hình lạm phát có thể sẽ là dấu hiệu cho thấy Fed sẽ còn tiếp tục đường lối “diều hâu” trong cuộc họp tháng 11 và 12.
Ngày hôm nay dự kiến sẽ tiếp tục là một phiên giao dịch giằng co, với một bên là tâm lý lo ngại trước cuộc họp Fed, và một bên là thông tin các nghị sĩ Mỹ đề nghị áp đặt trừng phạt thứ cấp lên dầu Nga. Báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API sáng nay cho thấy tồn kho dầu tiếp tục tăng 1 triệu thùng/ngày, tuy nhiên thấp hơn dự đoán 2,2 triệu thùng của giới phân tích.
Trên biểu đồ ngày, giá một lần nữa chịu sức ép tại khu vực kháng cự 86 USD/thùng và hiện đang giằng co tại vùng 84 USD/thùng, chưa tạo ra điểm vào phù hợp. RSI vẫn đi ngang ở vùng 50 trong khi MACD vẫn chưa tạo ra dấu hiệu mới. Các nhà đầu tư nên cân nhắc mở vị thế mua khi giá ở vùng 81,6-81,8 USD/thùng hoặc mở vị thế bán khi giá ở vùng 85,8 USD/thùng. Không nên vội vàng mở vị thế ở thời điểm hiện tại.
Giá các mặt hàng xăng dầu trong nước sáng ngày 21/9 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.231 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.215 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.180 đồng/lít; dầu hỏa không quá 24.418 đồng/lít và dầu mazut không quá 15.039 đồng/kg.
Theo dự báo, trong kỳ điều hành giá xăng dầu 15h hôm nay, giá dầu thế giới giảm, chắc chắn giá trong nước cũng giảm theo. Nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm hoặc được duy trì như hiện tại thì giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục đi xuống. Giá xăng có thể giảm khoảng 500 – 700 đồng/lít, dầu diesel giảm mạnh hơn, khoảng 1.500 - 2.000 đồng/lít; mức giảm cụ thể còn tùy thuộc vào trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng, 10 lần giảm và một lần giữ nguyên.