Giá xăng dầu hôm nay 15/7: Dầu thô ổn định dưới 100 USD/thùng
Giá dầu thô Brent neo ở mức 99,1 USD/thùng trong phiên cuối ngày 14/7, giá dầu thô WTI của Mỹ cũng được giao dịch ở mức giảm 63 cent, tương đương 0,66%, xuống mức 96,41 USD/thùng.
Đầu phiên, giá dầu Brent neo ở mức 99,57 USD/thùng, dầu WTI giảm nhẹ xuống mức 96,07 USD/thùng. Sau đó, cả hai điểm chuẩn này cùng tăng tốc. Trước đó, giá dầu Brent đã nhanh chóng vượt mốc 100 USD/thùng. Tuy nhiên, đà tăng này của dầu Brent và WTI nhanh chóng bị kìm lại khi các nhà đầu tư tập trung vào triển vọng một đợt tăng lãi suất lớn của Mỹ vào cuối tháng này có thể ngăn lạm phát nhưng đồng thời cũng “đánh” vào nhu cầu dầu mỏ. Chính bởi thế, giá dầu đã lao dốc tới hơn 4 USD, trượt xa khỏi mốc 100 USD/thùng.
Về dần đến cuối phiên giá dầu đã lấy lại được gần như tất cả các khoản lỗ trong ngày. Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 9 giảm 47 cent, tương đương 0,5% xuống 99,10 USD thùng, trải nghiệm phiên thứ ba liên tiếp dưới 100 USD/thùng.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát cao nhất trong vòng 4 thập kỷ qua bằng việc tăng lãi suất cơ bản trong tháng này. Áp lực giá cả đang gia tăng khiến nhiều khả năng Fed sẽ tăng tới 100 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách của Cục, dự kiến sẽ diễn ra vào 26 và 27/7.
Việc tăng lãi suất của Fed theo sau một động thái tương tự gây sốc thị trường của Ngân hàng Trung ương Canada hôm 13/7. Ngân hàng này đã quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 1%, lên mức 2,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8-1998. Quy mô của đợt tăng lãi suất này lớn hơn mức tăng được dự báo trước đó – 0,75% - của các chuyên gia kinh tế.
Giá dầu đã giảm trong hai tuần qua do lo ngại suy thoái kinh tế mặc dù xuất khẩu sản phẩm thô và tinh chế từ Nga giảm trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây lên nước này và gián đoạn nguồn cung ở Libya.
Các nhà đầu tư cũng đã đổ xô vào đồng bạc xanh, thường được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Chỉ số đô la Mỹ đạt mức cao nhất trong 20 năm qua hôm 12-7 khiến việc mua dầu trở nên đắt hơn đối với những người không mua ở Mỹ.
Tại châu Âu, các tín hiệu cũng cho thấy nhu cầu giảm như việc Ủy ban châu Âu cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế và nâng tỷ lệ lạm phát dự kiến lên 7,6%. Thêm vào đó, khả năng phong tỏa để kiềm chế sự lây lan Covid-19 ở nhiều thành phố của Trung Quốc – nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới – cũng làm dấy lên lo ngại nguồn cầu giảm ở nước này.
Trong nước, liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 11/7.
Với việc điều chỉnh này từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 0h ngày 11/7, giá xăng E5 RON 92 giảm 3.103 đồng/lít; RON 95-III giảm 3.088 đồng/lit; dầu diesel giảm 3.022 đồng/lít; dầu hỏa giảm 2.008 đồng/lít.Như vậy, sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 tối đa là 27.788 đồng/lít; RON 95 là 29.675 đồng/lít; dầu diesel là 26.593 đồng/lít, dầu hỏa là 26.345 đồng/lít, dầu mazut là 17.712 đồng/kg.