Giá tiêu tháng 7/2024 tăng 120,6% so với cùng kỳ năm 2023
Giá tiêu đen 7 tháng 2024 tăng 66,5%
Theo Báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), giá tiêu nội địa trung bình tháng 7 đạt 150.000 đồng/kg, tăng 82,9% so với thời điểm tháng 1 và tăng 120,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá tiêu tháng 7/2024 tăng 120,6% so với cùng kỳ năm 2023 |
Tính trung bình 7 tháng 2024, giá tiêu đen trong nước tăng 66,5% so với năm 2023. Trong khi đó, giá xuất khẩu tiêu đen tháng 6/2024 đạt 5.067 USD/tấn, tăng tới 31,6% so với tháng 1 đạt 3.851 USD/tấn.
Trung bình 6 tháng đầu năm 2024, giá tiêu đen xuất khẩu tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung thiếu hụt do sản lượng thu hoạch giảm ở Việt Nam và Brazil là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc giá tiêu tăng trong 3 tháng vừa qua.
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPSA - thông tin, đợt khảo sát đánh giá hiện trạng 3 tỉnh Tây Nguyên vào đầu tháng 7 của Hiệp hội cho thấy việc duy trì và sản xuất hồ tiêu của người nông dân ngày càng bị cạnh tranh bởi cây sầu riêng và cà phê.
Diện tích trồng mới có ghi nhận nhưng không nhiều, chủ yếu trồng xen hồ tiêu với cà phê với tỷ lệ 6-2. Sản lượng vụ tới có thể tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2024. Lượng hàng tồn trong dân không còn nhiều, tình trạng sâu bệnh hại vẫn còn nhưng không đáng kể, người dân xử lý được một số bệnh phổ biến như: vàng lá, chết chậm, bọ xít lưới, đốm tảo, tuyến trùng.
Ngay sau thời điểm vụ thu hoạch 2024 một đợt nắng hạn kéo dài gần 100 ngày đã làm nhiều vườn tiêu già cỗi tiếp tục bị suy thoái thêm. Tiếp theo, những cơn mưa nặng hạt vào tuần thứ 3 của tháng 5 tại các tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đã giúp giải hạn cho các vườn tiêu sau nhiều ngày bị nắng hạn. Tuy nhiên, lượng mưa quá lớn đã khiến cho một số vườn tiêu bị ngập úng nguy cơ bị nhiễm bệnh và dân đang cố gắng chăm bón để phòng bệnh chết nhanh.
Tình trạng mưa nhiều cũng diễn ra vào giữa tháng 7 tại Đắk Lắk và Bình Phước làm cho các vườn tiêu dễ rụng trái, thiếu dinh dưỡng, bị vàng lá, ngập úng, nhiễm sâu bệnh hại… “Để giảm tỷ lệ rụng trái non ở cây hồ tiêu, trái lớn đồng đều, cây phát triển toàn diện, người dân cần chú ý tạo hệ thống rãnh thoát nước tốt và tránh làm tổn thương bộ rễ”, bà Hoàng Thị Liên khuyến nghị.
Nguồn hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ thấp hơn mọi năm
Xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam đạt 142,5 ngàn tấn so với sản lượng thu hoạch năm 2024 đạt khoảng 170 ngàn tấn thì sản lượng còn lại ước đạt khoảng 28 ngàn tấn. Tồn kho vụ 2023 chuyển sang cộng với lượng nhập khẩu năm 2024 khoảng 40 - 45 ngàn tấn (kể cả nhập khẩu tiểu ngạch) cho thấy nguồn hàng xuất khẩu từ tháng 8 cho tới cuối năm sẽ thấp hơn mọi năm và cho đến tháng 3/2025 khi vụ mùa 2025 dự kiến sẽ thu hoạch.
“Dự báo, giá hồ tiêu sẽ có những đợt biến động bất thường như trong thời điểm ngày 11/6 buổi sáng giá tăng mạnh 20 ngàn đồng/kg nhưng buổi chiều lại giảm mạnh xuống trở lại”, bà Hoàng Thị Liên nhận định.
Sản lượng hồ tiêu sản xuất ở các quốc gia khác gồm Brazil, Indonesia dự báo giảm trong năm cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cho các tháng cuối năm 2024.
Về phía thị trường Trung Quốc, năm 2024 nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn dự báo, nhu cầu chi tiêu của người dân thắt chặt hoặc lượng hàng tồn vẫn còn đủ dùng là một trong các nguyên nhân khiến Trung Quốc tiếp tục hạn chế thu mua từ Việt Nam, cho dù lượng nhập khẩu từ Indonesia 5 tháng tăng đến 46,4% (997 tấn) so với cùng kỳ 6 tháng 2023. 4 tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận Trung Quốc xuất khẩu 2.266 tấn, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất khẩu hồ tiêu còn chịu tác động bởi chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và tắc nghẽn cảng ở châu Á như ở Singapore và Malaysia ảnh hưởng đến giá cả tại các điểm đến và có thể gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển. Các nhà phân tích dự kiến tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển có thể kéo dài đến tháng 8 năm nay.
Theo lý giải của các hãng truyền thông, tình trạng ùn tắc hàng hải xảy ra vì các tàu hiện tại đều phải tránh kênh đào Suez và Biển Đỏ do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi. Nhiều tàu hướng tới khu vực châu Á đang chọn đi vòng qua mũi phía Nam châu Phi, đồng nghĩa với việc không thể tiếp nhiên liệu hoặc dỡ hàng hóa ở Trung Đông.
"Giá cước tàu container vẫn đang trên đà tăng vọt. Từ đầu năm đến nay, giá cước đã tăng gấp 5 lần. Nhiều doanh nghiệp cảng dự báo thời gian tới, cùng với nguy cơ thiếu container rỗng, giá cước vận tải biển có thể tăng chạm ngưỡng thời điểm dịch Covid-19", bà Liên nhận định.
Ngoài ra, anh hưởng của biến đổi khí hậu El Nino vào đầu năm đã tục tác động đến việc canh tác sản xuất và duy trì vườn tiêu của người nông dân. Tiếp sau đó là hiện tượng La Nina càng làm cho tâm lý người nông dân thêm xao động, nhất là trong thời điểm hiện tại giá sầu riêng và cà phê đang ở mức cao nên vẫn chưa đủ hấp dẫn để người nông dân tái canh hồ tiêu ồ ạt. Tuy vậy, giá cây giống hồ tiêu tại một số tỉnh cũng tăng mạnh trung bình ở mức 20.000 - 25.000 đồng/cây do nguồn cung cấp giống cũng hạn chế.