Giá tăng so với chương trình cũ, cảnh báo lợi ích nhóm trong kinh doanh sách giáo khoa
Giá cao gấp 2-3 lần so với chương trình cũ
Sau 4 năm xã hội hóa sách giáo khoa, cả nước hiện có 6 nhà xuất bản và 3 tổ chức biên soạn sách. Mục tiêu của xã hội hóa sách giáo khoa là tạo sự cạnh tranh, nhằm giảm giá sách. Tuy nhiên, một nghịch lý đang tồn tại: Dù có nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn, có nhiều bộ sách nhưng giá lại không giảm mà còn tăng cao gấp 2-3 lần so với sách của chương trình cũ.
Cảnh báo lợi ích nhóm trong kinh doanh sách giáo khoa (Ảnh minh họa) |
Ví dụ bộ sách giáo khoa Cánh Diều, do Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản và thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) phát hành có giá 230.000 đồng đối với sách lớp 4 và 268.000 đồng đối với lớp 8, lớp 11 là 370.000 đồng. Giá bán này của các bộ sách giáo khoa lớp 4 và lớp 8 chưa bao gồm giá sách tiếng Anh. Còn với sách giáo khoa lớp 11 chỉ bao gồm giá sách của 6 môn bắt buộc, trừ sách tiếng Anh và giáo dục địa phương.
Trong khi theo chương trình cũ, bộ sách giáo khoa lớp 4 (9 quyển) chỉ có giá 87.000 đồng.
Qua tìm hiểu, sách của công ty này hiện đắt nhất trong 3 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đưa vào giảng dạy (3 bộ sách gồm: “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo” và “Cánh diều”).
Trước khi làm SGK Cánh Diều, kết quả kinh doanh của VEPIC kém khả quan. Năm 2017, công ty lỗ hơn 1,8 tỷ đồng; giai đoạn 2017-2019 doanh thu chỉ vỏn vẹn 4-6 tỷ đồng mỗi năm. Từ năm 2020 công ty tham gia biên soạn và phát hành sách giáo khoa. Năm 2022, doanh thu của VEPIC đã tăng tới 100 lần với tổng doanh thu năm 2022 là hơn 615,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 46 tỷ đồng.
Thực tế, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu nhất đối với học sinh nhưng việc mặt hàng này tăng cao gấp 2-3 lần so với chương trình cũ khiến nhiều người lo ngại về hiệu quả xã hội hóa và cảnh báo nguy cơ biến thành thương mại hóa.
Trong báo cáo “Tình hình nhân dân về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022”, của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đưa ra mới đây đã nêu phản ánh: Người dân băn khoăn, bức xúc về sự độc quyền hay có hiện tượng lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành sách giáo khoa và giá sách giáo khoa còn quá cao, thậm chí cao hơn từ 2 - 3 lần so với giá sách những năm trước đã ảnh hưởng đến nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế, nhất là gia đình ở vùng sâu, vùng xa.
Cần kiểm soát lợi ích nhóm
Để xảy ra hiện trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có cơ chế kiểm soát, quản lý đối với các địa phương trong việc in ấn, phát hành một số loại sách và thiết bị học tập, dẫn đến tình trạng một địa phương phát hành độc quyền sách và ấn định việc sử dụng sách giáo khoa, thiết bị học tập nhất định cho địa phương mình.
Báo cáo giải trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, theo quy định hiện nay, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chủ trì tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá sách giáo khoa và rà soát nội dung kê khai giá để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý Nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai với Bộ Tài chính. Nhà nước chỉ tiếp nhận kê khai giá của đơn vị còn doanh nghiệp toàn quyền về giá sách
Bất cập đó khiến Quốc hội phải sửa đổi, đưa sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng Nhà nước định giá và áp giá trần. Ngày 19/6/2023 vừa qua, Luật Giá sửa đổi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Khi Luật Giá có hiệu lực, thì việc quản lý giá sách giáo khoa khác cơ chế hiện nay, Nhà nước sẽ định giá tối đa sách giao khoa và giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo làm công việc này.
Nhà nước định giá khác với doanh nghiệp định giá ở chỗ Nhà nước phải căn cứ vào hồ sơ giá của đơn vị, xem tất cả chi phí đầu vào của họ có hợp lý hợp lệ hay không. Trường hợp không hợp lý thì phải giảm trừ chi phí ra khỏi cơ cấu giá sách giáo khoa và ban hành giá tối đa. Trên cơ sở giá tối đa đó, Nhà xuất bản sẽ đưa ra giá cụ thể để bán cho người dân.
Tại Hội nghị góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về triển khai thực hiện Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 mới đây, GS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - đề nghị, Quốc hội tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục, đồng thời không nên xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa mà Nhà nước nên đầu tư để có bộ sách giáo khoa chuẩn cho học sinh.
Ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ ra bất cập khi xã hội hóa không đến nơi đến chốn khiến xã hội hóa biến thành thương mại hóa, và hậu quả là xảy ra một số vụ án liên quan sách giáo khoa vừa được phanh phui, trong đó có sự móc ngoặc giữa người có chức có quyền với người làm kinh doanh.
Để ngăn chặn lỗ hổng xã hội hóa tạo cơ hội cho nhóm tư nhân trục lợi, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất: Chính phủ tổ chức giám sát, kiểm tra việc có hay không lợi ích nhóm trong việc lựa chọn bộ sách giảng dạy, thiết bị học tập ở các địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng chương trình, sách giáo khoa phổ thông trước khi đưa vào giảng dạy, để đảm bảo chất lượng và tổ chức đánh giá trong quá trình thực hiện để hướng dẫn điều chỉnh cho phù hợp.