“Gia phong dân tộc Lạc Việt”- Đạo lạ núp bóng văn hoá lịch sử: Bài 1 - Đóng tiền thành..."tiên"
Thời gian gần đây, xuất hiện hội, nhóm xưng danh “Đạo gia phong dân tộc Lạc Việt” hay “Hội tín ngưỡng gia phong dân tộc Lạc Việt” , “Giáo hội Lạc Hồng”… với trang phục kỳ lạ, hoạt động ở một số tỉnh, thành cả nước khi chưa được cấp phép. Phóng viên Báo Công Thương đã có thời gian thâm nhập, tìm hiểu về hiện tượng này.
Cóp nhặt, biến tướng
Trên trang Facebook cá nhân “Binh Le” những ngày gần đây liên tục xuất hiện những buổi rao giảng về “đạo”, “đời”, nghi thức thánh lễ Phật đường “đạo gia phong dân tộc Lạc Việt”. Nhân vật trong trang được xác định là bà Lê Thị Bình, tự phát livestream rao giảng các giáo lý theo kiểu cóp nhặt, tô vẽ về một “đạo gia phong” huyền thoại, mơ hồ, thoạt nghe dễ bị lôi cuốn bởi những “mỹ từ” về “tâm linh đất Việt”, “tôn vinh người có công đất nước”…
Thậm chí, bà Lê Thị Bình còn lợi dụng các ngày lễ lớn của dân tộc, gần đây nhất là Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) lồng ghép hình ảnh của các nhân vật anh hùng với hoạt động của bản thân, hội nhóm để đưa lên mạng xã hội… nhằm khuyếch trương thanh thế, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, hiện tượng này xuất hiện từ những năm 1990 và bắt đầu hoạt động mạnh tại địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2022.
Tại ngôi nhà nằm sâu trong thôn Chiến Thắng, xã Phương Khoan, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, bà Bình thường xuyên kêu gọi, tổ chức thu hút các tín đồ ở khắp mọi miền đất nước về đây tụ họp, nghe “giảng đạo”, tổ chức các khóa lễ, khóa cấp sắc tiên…
Khi tới đây, nếu muốn nhập hội phải thực hiện “điều lệ” nộp tiền, thường mỗi người là 700 nghìn đồng tiền mua “bộ pháp” mở đầu, rồi các khoản tiền “cấp sắc tiên”, tiền theo hội đi lễ khắp nơi, các ngày “giỗ thánh”, tiệc… là các tín đồ buộc phải đóng tùy “giáo chủ” đưa ra.
Trong “động tiên” của bà Bình là những hình ảnh quảng bá về “Đạo gia phong dân tộc Lạc Việt”, giấy chứng nhận, ảnh – bà tự “sáng tạo” ra; gian chính của ngôi nhà là biểu tượng, khung ảnh thờ cúng, tượng Lạc Long Quân, các nhân vật anh hùng có công với đất nước… Ở phía dưới là chiếc bàn nhỏ, bày chuông và cuốn sách về “đạo lạ” mà bà Bình thường xuyên dùng để rao giảng.
Hằng năm, bà Bình tổ chức các buổi lễ lớn tại nhà (thôn Chiến Thắng, xã Phương Khoan, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) nhằm thu hút thêm nhiều tín đồ và các khoản đóng góp mà bà tự đặt ra. Ảnh Nghĩa Thành |
Nhờ sự "bảo lãnh" của một tín đồ, khi chúng tôi thâm nhập vào "động tiên", bà Bình không ngần ngại đi thẳng vào vấn đề. Bà xưng “Cô” với chúng tôi và mở ngay bài “nhập môn” về quốc pháp, gia tiên, lịch sử (được thêm thắt) một cách có chủ ý. Bà Bình nói: “Đời Hùng Vương thứ 6 kết luận là tổ tiên mình là nòi giống Tiên Rồng… ; hồn thiêng của cụ (ý nói những người có công với đất nước) về trao cây bút này! Không chỉ một mình “Cô” làm mà còn nhiều người làm, như một bộ máy hoạt động của một chính phủ, người này người kia, nơi này, nơi khác…
Nói có bói giỏi không, tiên tri giỏi không thì cô rất giỏi! Về mở mạng liên kết với cô, xem cô đang giảng trên cộng đồng! Cô đang truyền tới Đảng, Nhà nước và nội dung phải thực hiện những gì trong lời sấm hịch đấy”.
Nói rồi, bà Bình cũng mở ngay trang facebook cá nhân có những bài giảng của chính mình để minh chứng điều bà vừa nói với chúng tôi. Bà Bình còn khuyên chúng tôi nên “lan tỏa” những nội dung rao giảng của bà cho bạn bè cùng xem.
Từ năm 2022 đến nay, hoạt động của bà Bình ngày càng đáng lo ngại, khi số lượng “tín đồ” “thu nạp” ngày càng đông. Bà Bình tiết lộ: “Dịp tiệc lễ, có đến 150 người khắp nơi về đây dự, ăn uống, sinh hoạt”.
Bà Bình cũng khẳng định: “Một khi đã theo Hội Lạc Hồng tinh thần sẽ được thanh thoát, bệnh tật tiêu tan, con người cảm thấy thanh thản vô cùng”. Trong lời thuyết giảng, bà Bình tự cho “pháp của bà rất cao siêu, có thể giải hết mọi vấn đề “bức xúc của cuộc sống”, kể cả chuyện “vong nhập” cũng giải được!”.
Hành trình “nhập môn”
Trước khi được "nhập môn", chúng tôi phải tham gia một "khóa lễ" theo đoàn, phải đóng góp ít nhất là 200 ngàn đồng tiền “hương hoa”. Theo chân đoàn “Gia phong dân tộc Lạc Việt” do bà Bình dẫn đầu, chúng tôi có mặt tại Cây đa Tân Trào (thuộc khu di tích Quốc gia đặc biệt xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).
Từ sáng sớm, đã có gần 100 người tụ tập tại đây, chúng tôi thấy có cả những “tín đồ” từ trong các tỉnh phía Nam ra để “nhập môn”. Đáng nói, nhóm mà chúng tôi đi cùng là người Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Nội, ngoài những người ở độ tuổi trung niên, còn có cả thanh niên, học sinh...
Trong đoàn có một người phụ nữ cho biết chị ở chợ Bâm - Tuyên Quang (giáp ranh giữa Tuyên Quang và Vĩnh Phúc). Người này đem cả cháu gái đang học lớp 7 theo và cho tôi biết đã “đi theo Hội được 10 năm”. Một người phụ nữ lớn tuổi trong đoàn tên L (đến từ Gia Lai) cho biết: “Tôi đã đi theo đoàn rất nhiều nơi, cứ nhận được lệnh đi đâu là đi luôn… Năm nay, đến Tân Trào! Cứ có tiền là đi thôi!”, bà L nói và khoe đã được “cấp sắc tiên” nhiều lần.
Đến di tích, cả đoàn đã thực hiện một nghi lễ lạ lùng mà theo Ban quản lý (BQL) khu di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào là không đúng với thuần phong mỹ tục, trái với quy định của khu di tích như: Kéo dài thời gian hát hò, hô hào, gây mất trật tự tại khu di tích tôn nghiêm… ảnh hưởng đến an ninh trật tự, ảnh hưởng đến thời gian thực hiện nghi lễ của các đoàn khách đến với khu di tích. Sự việc chỉ được dừng lại khi có sự nhắc nhở của nhân viên BQL khu di tích và Công an xã Tân Trào.
Bà Lê Thị Bình và đoàn bị công an xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) nhắc nhở về việc thực hành nghi lễ không phù hợp Ảnh Nghĩa Thành |
Bị nhắc nhở, bà Bình đã cho họp đoàn tại một địa điểm kín hơn, tránh “tầm mắt” của các lực lượng chức năng và quán triệt đoàn theo kiểu “luật riêng”: "Không ai được phép rời đoàn, không được tan rã khi lực lượng chức năng nhắc nhở;... mình đang đi tìm lại lịch sử cho dân tộc, phải tuyên thệ thánh ca đạo pháp, phải dựng quốc đạo để lấy khí linh thiêng...".
Không chỉ có lối tuyên truyền cuồng tín, ảo vọng, mụ mị mà cách hành lễ kỳ quặc của “giáo chủ” Bình và đoàn đã khiến nhiều du khách khi tới tham quan di tích hết sức ngán ngẩm, bất bình. Thêm nữa, đoàn di chuyển tới đâu là “thành viên” trong đoàn lại mở facebook livestream nhằm mục đích khuyếch trương hình ảnh, gây “sốt” trên mạng. Thậm chí, “giáo chủ” Bình - cũng trực tiếp dùng điện thoại quay hình và phát trực tiếp trên trang facebook cá nhân của mình.
(Còn nữa)
Cứ đóng tiền là “thành tiên”, mỗi thành viên sẽ được cấp 1 hoặc nhiều “sắc tiên”, được đặt họ tên mới với những “mỹ danh” thay cho họ tên thật của mình (nam mang họ Hùng, nữ mang họ Trưng), thậm chí là những khoản tiền khác mà hội gọi là “tu lễ”, “từ thiện”… Cùng với hành động kỳ quặc, không đúng nghĩa với người đi hành hương, bái lễ của bà Bình và những người trong đoàn đã khiến Ban quản lý khu di tích và công an xã Tân Trào vào cuộc nhắc nhở. |