Ngày 12/5, theo nguồn tin từ Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với 30 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An).
Theo đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An; Trần Anh Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thuận An; Nguyễn Văn Thạo, cựu giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Bắc Giang; Đàm Văn Cường, cựu phó giám đốc Ban QLDA Bắc Giang; Trần Viết Cương, cựu Giám đốc Ban QLDA Tuyên Quang; Phạm Hoàng Tuấn, cựu Giám đốc Ban QLDA Hà Nội; Nguyễn Chí Cương, cựu Phó Giám đốc sau này là Giám đốc Ban QLDA Hà Nội và 20 bị can khác cùng về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trong.
![]() |
Bị can Phạm Thái Hà. Ảnh: Bộ Công an |
Trong vụ án, bị can Dương Văn Thái, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang và Lê Ô Pích, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Riêng bị can Phạm Thái Hà, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu trợ lý Chủ tịch Quốc hội bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Duy Hưng với vai trò chủ mưu, cầm đầu, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 120 tỉ đồng tại 5 dự án. Trong đó, bị can Nguyễn Duy Hưng hưởng lợi bất chính hơn 98 tỉ đồng.
Bị can Dương Văn Thái gây thiệt hại tài sản nhà nước gần 97 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính 900 triệu đồng và bị can Lê Ô Pích, gây thiệt hại tài sản nhà nước gần 97 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính 4 tỉ đồng.
Riêng bị can Phạm Thái Hà, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu trợ lý Chủ tịch Quốc hội trục lợi số tiền 750 triệu đồng, gây thiệt hại tài sản nhà nước gần 97 tỉ đồng.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An cho thấy việc “chạy thầu” - tìm kiếm sự thỏa thuận, can thiệp trái phép vào hoạt động đấu thầu là một thực trạng rất phổ biến. Để trúng thầu, đại đa số các doanh nghiệp phải có quan hệ, chấp nhận chi tiền “cơ chế” cho lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền, xem đây là một phần tất yếu của quá trình đấu thầu, thi công dự án.