Chủ nhật 22/12/2024 20:04

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ duy trì xu hướng giảm nửa cuối năm 2023

Giá nông sản thế giới mặc dù đã giảm xuống gần với mức thấp nhất trong 2 năm qua nhưng thị trường lại bất ngờ hồi phục mạnh vào tuần trước.

Liệu mối lo về chi phí thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp Việt Nam vừa được xoa dịu sẽ một lần nữa quay trở lại như 2 năm qua?

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), trong 4 nhóm nguyên liệu hàng hoá, nông sản là các mặt hàng ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong vài tháng qua. Hầu hết giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) quan trọng như ngô, khô đậu tương, lúa mì đều sụt giảm từ 15 – 30% so với giai đoạn đầu năm nay. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với ngành chăn nuôi vốn phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu của nước ta, đặc biệt là sau 2 năm liền các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi gồng lỗ do cả chi phí đầu vào lẫn sức ép đầu ra.

Diễn biến giá ngô và lúa mì từ đầu năm 2023

Tuy nhiên, một nhịp hồi phục mạnh mẽ đã xuất hiện trong vài phiên gần đây đang khiến cho các doanh nghiệp chăn nuôi không khỏi lo lắng. Giá ngô Chicago tuần trước đã ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ tháng 7 năm ngoái và đang được giao dịch ở vùng giá cao nhất trong 1 tháng qua.

Nguồn cung từ ngành trồng trọt trong nước mới chỉ đáp ứng được hơn 40% nhu cầu đối với các loại nguyên liệu cho sản xuất TACN. Điều này cũng dẫn tới sự phụ thuộc của ngành chăn nuôi với thị trường nông sản thế giới. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu trung bình 20 - 22 triệu tấn nguyên liệu, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan. Trong đó, ngô chiếm khoảng 50% và lúa mì chiếm khoảng 10% khối lượng các lô hàng trên.

Khả năng giá nguyên liệu sẽ đảo chiều và tăng trở lại trong vài tháng tới hay không sẽ là mối quan tâm hàng đầu mà các doanh nghiệp cần giải đáp để đưa ra quyết định mua hàng phù hợp cho giai đoạn nửa cuối năm 2023.

Hoạt động nhập khẩu nông sản đang diễn ra ảm đạm

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã dự báo tiêu thụ ngô của nước ta trong niên vụ 2023/24 sẽ tăng lên mức 14,5 triệu tấn, được thúc đẩy bởi nhu cầu của ngành chăn nuôi. Việt Nam là một trong hai quốc gia có khối lượng nhập khẩu ngô tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á và cũng nhà nhập khẩu ngô lớn nhất trong khu vực kể từ niên vụ 2018/19. Từ năm 2012, Việt Nam đã chuyển từ nước nhập khẩu ngô lớn thứ 19 lên vị trí thứ 5 thế giới.

Mặc dù tiêu thụ và nhập khẩu ngô hay các loại nguyên liệu TACN có xu hướng gia tăng trong những năm qua nhưng cùng với sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế, các lô hàng nông sản cập cảng nước ta đang khá ảm đạm. Trên thị trường nội địa, lượng hàng từ tháng 7,8,9 đã đủ cho 70% nhu cầu, các nhà máy không còn nhiều dư địa để mua thêm. Đối với hàng giao cuối năm nay và đầu năm sau, tại cảng Cái Lân, giá chào ngô Nam Mỹ hiện đã giảm xuống trong khoảng 6.300 – 6.500 đồng/kg.

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam - cho biết: “Các doanh nghiệp sản xuất đang kỳ vọng giá nông sản thế giới sẽ giảm thêm trong bối cảnh nhu cầu thế giới suy yếu, vụ gieo trồng Mỹ vẫn thuận lợi. Ngoài ra, thị trường cũng chờ đợi nguồn cung từ Ấn Độ cập cảng nhiều hơn cũng sẽ tạo áp lực tới giá ngô nội địa.”

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Brazil là thị trường chủ đạo cung cấp ngô cho Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023, chiếm trên 48,2% trong tổng lượng nhập khẩu ngô của cả nước. Thị trường lớn thứ hai là Argentina, trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 682.552 tấn, giảm 45,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thay vì nhập khẩu ngô từ Nam Mỹ như trước đây, Ấn Độ đang là lựa chọn thay thế với mức giá rẻ hơn. Tính trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 584.847 tấn ngô Ấn, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Cơ cấu nhập khẩu ngô của Việt Nam 4 tháng đầu năm

Xu hướng giảm sẽ duy trì trong nửa cuối năm nay

USDA cho biết, tính đến ngày 28/05, 92% diện tích ngô đã được gieo trồng, và 72% cây trồng đã bước vào giai đoạn nảy mầm. Về chất lượng, 69% diện tích ngô được đánh giá tốt – tuyệt vời, thấp hơn so với mức 73% cùng kỳ năm ngoái. Những lo ngại về triển vọng năng suất cây trồng bị ảnh hưởng tiêu cực khi Mỹ bước vào giai đoạn nắng nóng cao điểm nhất của mùa hè đã hỗ trợ giá hồi phục ngắn và khiến giá nông sản biến động mạnh mẽ hơn trong 2 tháng tới.

Trong thời gian tới, triển vọng nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa hồi phục, nhu cầu từ Trung Quốc dự báo vẫn sẽ duy trì ở mức thấp hơn so với giai đoạn 2 năm trước đó. Trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales) được USDA phát hành tuần trước, khối lượng bán hàng của Mỹ thậm chí còn giảm xuống mức âm, do Trung Quốc hủy một số đơn hàng đã mua trước đó.

Ngoài ra, sắp tới, khi nông dân Brazil chuẩn bị thu hoạch vụ ngô thứ 2, được dự báo sẽ đạt mức sản lượng kỷ lục thì hoạt động xuất khẩu của Mỹ càng trở nên kém cạnh tranh hơn nữa.

Về nguồn cung, trái với việc La Nina xuất hiện liên tiếp 3 năm vừa qua khiến mùa vụ Nam Mỹ thiệt hại, khả năng xuất hiện mô hình thời tiết El Nino đang tăng lên và là tín hiệu cho thấy triển vọng nguồn cung nông sản toàn cầu tích cực. Mùa vụ tại Mỹ cũng đang trong giai đoạn đầu với tiến độ nhanh chóng và lo ngại về thời tiết thực tế vẫn là hiện tượng hàng năm nên giá nông sản có thể sẽ chịu áp lực trong nửa cuối năm nay.

Ngành chăn nuôi sẽ hồi phục?

Bên cạnh chi phí sản xuất cao, giá thịt lợn thấp và dịch bệnh cũng là các mối đe dọa đã cản trở ngành chăn nuôi tăng trưởng trong nửa đầu năm 2023. Thời gian gần đây, thị trường lợn hơi đang sôi động trở lại và dự báo cho triển vọng khả quan cho đầu ra của các doanh nghiệp chăn nuôi. Trong những ngày cuối tháng 5, giá lợn hơi có thời điểm đã vượt mốc 60.000 đồng/kg, tăng 17% so với hồi đầu năm.

Diễn biến giá lợn hơi

Hai năm liền chi phí thức ăn tăng cao, giá lợn giảm kéo theo nhiều hộ chăn nuôi chịu lỗ và phải ngừng hoạt động tái đàn, doanh nghiệp lớn chưa có kế hoạch mở rộng quy mô đàn lợn. lượng heo bán tháo ra thị trường do ảnh hưởng từ đợt dịch tả heo châu Phi đã giảm dần do đó áp lực nguồn cung thịt ra thị trường cũng bớt đi. Nguồn cung đang sụt giảm và sức mua tăng trở lại giúp giá lợn hơi đang dần hồi phục.

“Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới đang hạ nhiệt, trong khi phí vận chuyển về Việt Nam cũng đang giảm xuống do giá dầu thô cũng giảm mạnh trong thời gian gần đây. Cùng với đó, giá thành các sản phẩm đầu ra cũng có dấu hiệu gia tăng sẽ là những tín hiệu khả quan cho ngành chăn nuôi trong nửa cuối năm 2023, sau 2 năm trải qua giai đoạn khó khăn”, ông Phạm Quang Anh đánh giá.

Khánh Linh - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Bài viết cùng chủ đề: Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Bà Rịa - Vũng Tàu: Chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết

TP. Hồ Chí Minh: Chợ kẹo bánh Bình Tây nhộp nhịp dịp cuối năm

Thị trường hàng hóa hôm nay 18/12: Giá đậu tương giảm phiên thứ ba liên tiếp

Đồ trang trí Giáng sinh 2024: Sản phẩm 'xanh' chiếm sóng thị trường

Thị trường hàng hóa hôm nay 17/12: Giá cà phê Arabica tăng 2,47%

Thị trường hàng hóa hôm nay 16/12: Giá ca cao tăng vọt tuần thứ 5 liên tiếp

Ngành bán lẻ trước cột mốc 200 tỷ USD: Miếng bánh có dễ 'ăn'?

Đưa hàng hiệu giá hấp dẫn đến với người tiêu dùng: ‘Chìa khoá’ chinh phục niềm tin trong khó khăn

Thị trường hàng hoá duy trì bình ổn, không để thiếu hàng cho dịp Tết Ất Tỵ

Xu hướng lựa chọn giỏ quà Tết năm nay

Nguồn cung hàng hóa sẵn sàng, doanh nghiệp tăng 30% sản lượng hàng Tết so với năm 2024

Thị trường hàng hóa hôm nay 13/12: Giá ngô suy yếu, giá đậu tương đi ngang

Năm 2025, tiếp tục đưa thị trường nội địa trở thành 'tuyến phòng ngự' vững chắc

Thị trường hàng hóa hôm nay 12/12: Giá bạc neo tại vùng đỉnh một tháng

Bộ Công Thương thu hồi giấy phép phân phối rượu của Công ty TNHH Nam Dương Invest

TP. Hồ Chí Minh: Thị trường đồ trang trí ảm đạm trước thềm Giáng sinh

Thị trường hàng hóa hôm nay 11/12: Giá cà phê Arabica chạm mức cao nhất khi tiến sát mốc 7.400 USD/tấn

TP. Hồ Chí Minh: Bán hàng bình ổn thị trường Tết, nhiều hàng hóa giảm giá sâu

Thị trường hàng hóa hôm nay 10/12: Trung Đông tiếp tục ‘nóng’, giá dầu thế giới quay đầu phục hồi

Thị trường hàng hóa hôm nay 9/12: Giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều