Giá lưu huỳnh cho sản xuất phân bón giảm 57%
Giá lưu huỳnhngày 21/7 tiếp tục giảm xuống còn 253 USD/tấn. Giá mặt hàng này liên tục hạ khoảng 1 tháng trở lại đây và hiện thấp hơn đỉnh khoảng 57%. Giá lưu huỳnh ngày 20/6 lập đỉnh với giá 589 USD/tấn.
Tuy nhiên, mức giá 253 USD này vẫn còn rất cao so với mức giá ổn định 95 USD trong suốt năm 2020 và đầu năm 2021.
Hơn 1 năm trở lại đây, giá lưu huỳnh, chất được sử dụng để sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu... đã liên tục “nhảy múa”. Đây là nguyên liệu các đơn vị sản xuất phân bón trong nước vẫn phải nhập khẩu nên giá phân bón trong nước nhiều khi vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu này.
Giá lưu huỳnh nhiều biến động do ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine. Năm 2021, Nga xuất khẩu 1,9 triệu tấn lưu huỳnh và chiếm 9% toàn thế giới.
Vào thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021, giá lưu huỳnh ổn định ở mức khoảng 95 USD/tấn. Đến thời điểm giữa tháng 6/2021, giá mặt hàng này đã tăng lên gấp hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn, lên 208 USD/tấn;
Một năm sau, vào thời điểm 20/6/2022, giá lưu huỳnh gần như lập đỉnh ở mức cao nhất với 3.936 nhân dân tệ/tấn (589 USD/tấn).
Tiếp theo đó, thị trường ghi nhận giá mặt hàng này liên tục giảm trong tháng 7. Ngày 14/7, giá lưu huỳnh đã “lao dốc” chỉ còn 263 USD/tấn và tiếp tục hạ nhiệt xuống 253 USD/tấn vào 21/7.
Trước đó, ngày 15/3 giá lưu huỳnh là 488 USD/tấn. 1 tháng sau, giá lưu huỳnh ngày 13/4 tiếp tục tăng ở mức 551 USD/tấn.
Một số loại phân bón có chứa lưu huỳnh như Supe lân, DAP, NPK... có thể giảm giá trong thời gian tới do giá lưu huỳnh giảm nhiệt, tuy nhiên sẽ có độ trễ nhất định |
Theo một đơn vị chuyên nhập khẩu và kinh doanh phân bón lớn ở miền Bắc, giá lưu huỳnh đã hạ nhiệt 57% so với hồi lập đỉnh là cơ sở để một số loại phân bón có chứa lưu huỳnh như Supe lân, DAP, NPK… có khả năng giảm giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc giảm giá các loại phân bón phức hợp này bao giờ cũng có độ trễ nhất định từ 3 tuần đến 1 tháng.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6, Việt Namnhập khẩu 231.461 tấn phân bón, tương đương 107,7 triệu USD, giá trung bình 465,2 USD/tấn. So với tháng 5, lượng giảm 24,8%, kim ngạch giảm 28,6% và giá giảm 5%. So với tháng 6, lượng giảm 47% về lượng, kim ngạch giảm 13,9% và giá giảm 62,2%.
Trong tháng 6, nhập khẩu phân bón từ thị trường Trung Quốc sụt giảm sau 3 tháng tăng liên tiếp, giảm 24,4% về lượng, giảm 26% kim ngạch, và giảm 2% về giá so với tháng 5. Theo đó, tháng 6, nhập khẩu phân bón là 137.705 tấn, tương đương 58,2 triệu USD, giá 422,8 USD/tấn.