Giá lúa gạo tuần từ 8-14/8: Giá lúa gạo nội địa tăng, xuất khẩu giảm
Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định so với hôm qua. Trong tuần qua, giá lúa gạo trong nước điều chỉnh tăng từ 50 – 100 đồng/kg so với đầu tuần.
Cụ thể, tại An Giang, lúa Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức giá 5.800 – 6.000 đồng/kg; lúa OM 18 5.800 – 6.000 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; IR 504 ở mức 5.300 – 5.450 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.
Với mặt hàng lúa nếp, nếp An Giang tươi 5.900 – 6.000 đồng/kg, nếp tươi Long An 6.200 – 6.400 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu duy trì ổn định. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 8.150 – 8.250 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm tiếp tục duy trì ổn định ở mức 8.650 – 8.750 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá ổn định. Hiện giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.500 – 8.600 đồng/kg; cám khô 8.500 – 8.550 đồng/kg.
Giá lúa gạo tuần qua biến động trái chiều giữa thị trường trong nước và thế giới |
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Trái ngược với diễn biến tăng tại thị trường trong nước, trong tuần qua giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục lao dốc khi gạo 5% tấm và 25% tấm giảm 5 USD/tấn so với đầu tuần. Hiện giá gạo 5% tấm ở mức 393 USD/tấn; gạo 25% tấm 378 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hoạt động mua bán vẫn trầm lắng. Số liệu sơ bộ cho thấy khoảng 134.250 tấn gạo được “chất” lên tầu ở cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong nửa đầu tháng 8/2022; trong số đó phần lớn sẽ được vận chuyển đến Philippines và châu Phi.
Về tình hình sản xuất trong nước, hiện nhiều địa phương đang thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa cho nông dân. Điển hình, tại tỉnh Đồng Tháp, vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2022, nhiều doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với diện tích 60.000ha, sản lượng tiêu thụ trên 400.000 tấn. Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị lúa gạo giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 3-8 triệu đồng/ha/vụ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ thông qua hợp tác xã và tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững.
Về sản xuất vụ Thu Đông, đến cuối tháng 7/2022, thành phố Cần Thơ đã xuống giống được 65.028ha, đạt 111% so với kế hoạch và thấp hơn 2.666ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện lúa chủ yếu trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng, sinh trưởng và phát triển tốt.
Tại An Giang, tỉnh này đề ra kế hoạch sẽ gieo cấy 154.686ha lúa Thu Đông và khuyến cáo nông dân khung lịch thời vụ xuống giống vụ trước 31/8 tới.