Giá lợn hơi hôm nay 4/8: Điều chỉnh nhẹ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tại cả 3 miền
Tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi tăng giảm trái chiều trong ngày hôm nay và dao động trong khoảng 87.000 - 91.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Nam Định và Thái Bình, giá giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg xuống còn 90.000 đồng/kg, hiện ngang bằng với Bắc Giang, Hà Nam. Trong khi đó, Tuyên Quang tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên mức 89.000 đồng/kg. Vĩnh Phúc cũng bứt tốc với 90.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên được điều chỉnh nhẹ 1.000 đồng/kg ở một số tỉnh thành và được thương lái thu mua trong khoảng 81.000 - 88.000 đồng/kg. Cùng giảm 1.000 đồng/kg, Quảng Bình và Quảng Nam hiện đang thu mua với giá 83.000 - 85.000 đồng/kg. Trong khi đó, Thanh Hóa tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên 87.000 đồng/kg, ngang bằng với Lâm Đồng, Ninh Thuận và Hà Tĩnh.
Dự kiến quý III/2020 các doanh nghiệp chăn nuôi mới có lợn giống bán ra ngoài |
Tương tự tại miền Nam, giá lợn hơi cũng có mức tăng giảm ở nhiều địa phương với mức dao động khoảng 85.000 - 89.000 đồng/kg.
Trà Vinh và Vũng Tàu ghi nhận mức tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg lên ngưỡng 87.000 - 88.000 đồng/kg. Còn tại Bạc Liêu và Cần Thơ, giá giảm 1.000 đồng/kg xuống lần lượt 86.000 và 85.000 đồng/kg.
Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngoài một số tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học, thời gian qua, một số tỉnh, thành phố đã có chính sách hỗ trợ tái đàn lợn. Trong đó, TP. Hà Nội hỗ trợ cho 5 triệu đồng/nái khi mua giống tái đàn, Yên Bái Hỗ trợ 4 triệu đồng/nái hoặc đực giống khi mua tái đàn, Vĩnh Phúc Hỗ trợ 2 triệu đồng/nái khi tái đàn, Hưng Yên hỗ trợ 1 triệu đồng khi mua lợn nái và 500.000 đồng cho mỗi cơ sở để mua vật tư, men vi sinh để phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình đang có chương trình hỗ trợ lợn nái giống ngoại cho các trang trại để tái đàn, mức hỗ trợ 20% kinh phí mua giống lợn, lợn nái ngoại, tương đương 2 triệu đồng/con. Tỉnh Thanh Hóa, Thái Nguyên hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi con nái ông bà để khuyến khích sản xuất lợn bố mẹ cho sản xuất.
Riêng tỉnh Nghệ An hỗ trợ 1 triệu đồng/nái hậu bị cấp ông bà, bố mẹ. Mức hỗ trợ bằng 50% số lượng nhập đàn và tối đa không quá 100 triệu đồng/trang trại. Tỉnh Bình Định hiện dành 150 tỷ đồng từ ngân sách, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người chăn nuôi vay không lãi suất trong vòng 12 tháng. Tỉnh Thừa Thiên - Huế có chính sách hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng trang trại mới, nhưng không quá 1 tỷ/trang trại. Đồng Nai hỗ trợ 60 trang trại, 622 hộ chăn nuôi và 49 tổ hợp tác chăn nuôi theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ….
Cục Chăn nuôi cho biết, để giúp thị trường chăn nuôi lợn trong nước ổn định, bình quân mỗi quý cần phải cung cấp ra thị trường khoảng 11,5 triệu con lợn giống thương phẩm sau cai sữa.
Tuy nhiên, theo số liệu Cục Chăn nuôi, quý I/2020, thị trường mới đáp ứng được khoảng 10,5 triệu con lợn thương phẩm sau cai sữa, còn thiếu khoảng 1 triệu con. Quý II/2020 đáp ứng được 10,8 triệu con, thiếu khoảng 700.000 con. Quý III/2020 dự kiến đáp ứng được 11,3 triệu con, thiếu khoảng 200.000 con và quý IV/2020 đáp ứng được khoảng 11,7 triệu con, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, đàn nái cụ kỵ ông bà của 15 doanh nghiệp tăng 27,81%, đàn nái bố mẹ tăng 6,56%. Khả năng sản xuất lợn nuôi thương phẩm của 15 doanh nghiệp khoảng 4 triệu con/quý, thay thế khoảng 2,5 - 3 triệu con/quý, do đó phải đến quý III/2020 các doanh nghiệp mới có lợn giống bán ra ngoài.