Gia Lai: Giá bí đỏ "rớt thảm" còn 500 đồng/kg, nông dân không buồn thu hoạch
Một xe càng bí đỏ như thế này bán với giá 600.000 đồng- 800.000 đồng |
Hiện tại, nông dân huyện Chư Pưh (Gia Lai) đang bước vào vụ thu hoạch bí đỏ. Nhưng giá bí đỏ thấp chưa từng thấy, thậm chí bán không ai mua khiến nhiều nông dân buồn não lòng.
Bà Siu Ther (SN 1976, trú làng Tao, Ia Phang, Chư Pưh) cho biết, gia đình bà đầu tư gần 10 triệu đồng để trồng 7 sào bí đỏ. Sau khoảng 4 tháng chăm sóc, cách đây hơn 3 tuần, gia đình bà Ther thuê 1 xe càng đi vào rẫy thu hoạch bí đỏ. Sau khi đi bán xe bí (khoảng 2 tấn), bà Ther chỉ thu về được 1 triệu đồng. Tiền bán 1 xe bí không đủ tiền thuê xe và chi phí khác, nên những quả bí còn lại gia đình bà Ther bỏ mặc trên rẫy.
“Đường đi vào rẫy trơn trượt rất khó đi, đi phải mất 2 tiếng mới vô được rẫy, tiền thuê xe, tiền nhờ người đi thu hoạch bí, ăn uống… mà bán rẻ quá, đi thu hoạch đã mệt mà bán không đủ tiền chi phí nên mình không bán nữa. Giờ giá bí còn thấp hơn hôm trước nữa, trên rẫy nhà mình còn đến 4,5 sào chưa thu hoạch. Mình bỏ luôn”, bà Ther chia sẻ.
Chị Siu H’ Luôn (làng Tao) cho biết, nếu giá bí đỏ năm ngoái hơn 3 nghìn đồng/kg thì năm nay trung bình chỉ được khoảng 500 đồng/kg, hiện tại 1 xe càng khoảng 2 tấn bán chỉ được khoảng 600- 800 nghìn đồng/xe, tùy bí đẹp hay xấu. Năm trước giá bí cao bán theo cân, còn năm nay chỉ bán theo xe. Giá bí quá thấp khiến người trồng bí thua lỗ, thậm chí bán không được nên nhiều gia đình có rẫy gần thì thu hoạch bán gỡ gạc lại ít vốn, còn những nhà rẫy xa, khó đi thì đành bỏ thối trên rẫy vì tiền bán bí không đủ tiền chi phí thu hoạch.
Bà Nguyễn Thị Thu, một đại lý thu mua nông sản tại xã Ia Phang cho biết, giá bí đỏ năm ngoái khoảng 3.500 đồng/kg thì năm nay giá bí đỏ đang ngày càng rớt giá, hiện trung bình bán ra khoảng 6-8 trăm đồng/kg. Tuy nhiên, 2 ngày nay, đại lý thu mua bí của bà Thu không có bạn hàng tới hỏi mua khiến bà Thu đang sốt ruột.
Cách đây 3 tuần cả kho bí đỏ của bà Thu mua đã phải để thối vì bán không được. Tuy nhiên, bà vẫn phải thu mua bí cho nông dân bởi bà đã trót đầu tư vốn cho người dân để họ trồng bí, nên bây giờ bà buộc phải mua bí cho họ. Còn những người khác không phải bà cho vay tiền đầu tư trồng bí, họ chở bí đến bán bà không dám mua vì mua vào sợ bán không được.
Đại lý thu mua bí đỏ của bà Thu cho biết, 2 ngày nay bà chỉ mua vào mà không bán ra được |
“Giá bí thấp nên người ta mua khó tính hơn, chê to nhỏ, rồi bí tròn, bí méo làm mình lựa cũng khổ. Rẻ mà bán được còn may, đằng này 2 ngày nay không ai hỏi mua cả, nhưng mình vẫn phải mua cho người dân thôi. Năm ngoái giá bí cao, nên tôi quyết định đi buôn bí. Tôi cho người dân vay tiền để họ đầu tư trồng bí, họ nghèo khổ quá giá bí giờ rẻ quá, mình không mua cho họ thì cũng không lấy được nợ, còn tôi thì phải đóng lãi ngân hàng”, bà Thu chia sẻ.
Những xe chở bí đậu trên quốc lộ đang loay hoay tìm người mua bí mà chưa được |
Ông Trần Hoàng - Chủ tịch UBND xã Ia Phang cho biết, năm nay tại xã có 380ha đất trồng bí đỏ. Các năm trước năng xuất 1ha bí đỏ đạt bình quân 20-30 tấn, cá biệt có ha đạt đến 40 tấn/ha. Mỗi ha bí đỏ người dân đầu tư hết khoảng 12 triệu đồng tiền vốn. Giá năm ngoái, giao động khoảng 3.500- 4.500 đồng/kg, nhưng năm nay giá chỉ còn khoảng dưới 1.000 đồng/kg.
Theo ông Hoàng, giá bí đỏ năm nay không chỉ quá thấp mà còn bị mất mùa, sản lượng chỉ bằng 1/3 năm ngoái do ảnh hưởng của hạn hán. Bí mất mùa, mất giá trong khi trừ các khoản tiền chi phí thì mỗi kg bí phải bán được từ 2.000 đồng trở lên thì người trồng bí mới có lời. Chính vì vậy, nhiều người dân đã bỏ thối ruộng bí của mình, không “thèm hái”.
Anh Phạm Ngọc Tuấn - chuyên viên phụ trách mảng Nông lâm nghiệp của huyện Chư Pưh cho biết, giá bí đỏ hiện tại trên địa bàn có giá khoảng 500 đồng/kg. Giá bí vừa quá thấp vừa khó bán nên nhiều người dân bỏ thối trên rẫy, cạnh nhà anh có tới 10 ha bí bỏ thối trên rẫy.
Anh Tuấn cho biết thêm bí đỏ, bí xanh tại huyện Chư Pưh được các chuyên gia đánh giá là hàm lượng dinh dưỡng trong bí trồng tại đây cao hơn bí trồng ở các nơi khác. Vì vậy, huyện đã có kế hoạch quy hoạch vùng bí từ nay đến năm 2020 để bao tiêu đầu ra ổn định cho người dân.