Gia Lai: Đề nghị đầu tư nhà máy chế biến nguyên liệu thuốc lá trên địa bàn tỉnh
Tham dự buổi làm việc, về phía đoàn công tác Bộ Công Thương có ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương; ông Hà Quang Hòa, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; đại diện UBND tỉnh Gia Laicó ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Nội dung buổi làm việc nhằm tìm hiểu về tình hình đầu tư, thu mua nguyên liệu thuốc lá; tình hình quản lý đầu tư, mua bán nguyên liệu. Bên cạnh đó, các bên liên quan đề xuất, kiến nghị các giải pháp về phát triển vùng trồng để nâng cao chất lượng, sản lượng, năng suất trông cây thuốc lá tại Gia Lai.
Vẫn còn nhiều bất cập
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, địa phương đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá vàng sấy và thuốc lá nâu trên địa bàn các huyện Krông Pa, Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa cho 25 đơn vị (1 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 1 đơn vị tạm ngừng hoạt động trong năm 2024).
Toàn cảnh buổi làm việc bàn giải pháp về phát triển vùng trồng để nâng cao chất lượng, sản lượng, năng suất cây thuốc lá tại Gia Lai. Ảnh: Lê Sơn |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến nguyên liệu thuốc lá, do vậy, phần lớn các doanh nghiệp đầu tư nguyên liệu thuốc lá trên địa bàn tỉnh sau khi phân loại, kiểm tra sản phẩm sẽ được vận chuyển về các nhà máy chế biến nguyên liệu thuốc lá ở các tỉnh khác cách xa nên ảnh hưởng đến chất lượng cũng như thất thoát nguyên liệu thuốc lá.
Ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Sơn |
Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển và nhập nguyên liệu thuốc lá (đã đóng kiện) vào các nhà máy chế biến nguyên liệu thuốc lá, các nhà máy sẽ kiểm tra chất lượng, độ ẩm sản phẩm, nếu không đạt sẽ yêu cầu phân loại lại hoặc tổ chức phơi sấy lại để đảm bảo theo yêu cầu.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Sơn |
Ông Nguyễn Duy Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho rằng, điều này sẽ phát sinh chi phí lớn để thuê nhân công xử lý, giảm chất lượng sản phẩm, thất thoát nguyên liệu và ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị.
Đại diện Công ty cổ phần Hòa Việt - một trong 2 đơn vị đầu tư trồng cây thuốc lá tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lê Sơn |
Ông Hà Quang Hòa, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cho thông tin, hiện tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đang có 2 đơn vị đầu tư trồng cây thuốc lá tại tỉnh Gia Lai gồm Công ty Thuốc lá Bến Tre và Công ty Cổ phần Hòa Việt. Trong đó, Công ty Cổ phần Hòa Việt đang đầu tư và hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Liên doanh thuốc lá BAT-Vinataba tại tỉnh Gia Lai.
Công tác đầu tư, mở rộng diện tích trồng thuốc lá hàng năm gặp một số khó khăn do giá thành sản xuất nguyên liệu thuốc lá đang có xu hướng ngày càng tăng nên làm giảm hiệu quả kinh tế so với các cây trồng khác tại địa phương, dẫn đến tính cạnh tranh của cây thuốc lá ngày càng thấp, không khuyến khích được nông dân mở rộng diện tích trồng.
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển công lao động sang các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ, du lịch... đã gây nên tình trạng thiếu lao động trầm trọng khi sản xuất nguyên liệu thuốc lá. Nguồn vốn ban đầu để trồng mới thuốc lá lớn so với năng lực tài chính của nông dân (dự kiến cần đầu tư khoảng trên 200 triệu đồng để sản xuất 1 ha thuốc lá).
Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đối tác tại các vùng trồng thường xảy ra. Nhiều tổ chức, cá nhân không đầu tư, tổ chức thu mua gom nguyên liệu làm rối loạn thị trường, gây nhiều thiệt hại và rủi ro cho các doanh nghiệp đầu tư và thu mua nguyên liệu theo đúng quy định của Nhà nước.
Diện tích trồng cây thuốc lá bình quân hộ nông dân còn ít và manh mún nên việc áp dụng cơ giới hóa, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để ổn định năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng thuốc lá còn nhiều khó khăn và bất cập.
Khó khăn trong kiểm tra, giám sát
Nhằm ổn định, phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị và tránh thất thoát trong quá trình vận chuyển nguyên liệu thuốc lá trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, chỉ đạo Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đầu tư nhà máy chế biến nguyên liệu thuốc lá và mô hình lò sấy thuốc lá bằng điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Ngoài ra, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương thực hiện đúng các quy định của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP trong việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư, thu mua của các doanh nghiệp theo đúng pháp luật.
Hiện nay, việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá đang có trường hợp: Một số Sở Công Thương nơi doanh nghiệp có vùng trồng cấp và một số Sở Công Thương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn cấp.
Tuy nhiên, trên thực tế một số Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá cho doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn nhưng doanh nghiệp không có vùng trồng tại địa bàn mà vùng trồng lại ở địa phương khác.
Việc này gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát việc đầu tư trồng cây thuốc lá, sản xuất, tiêu thu nguyên liệu thuốc lá trên địa bàn tỉnh và giám sát doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện để duy trì Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá.
Việc điều chỉnh thẩm quyền sẽ khắc phục được khó khăn nêu trên và tạo ra sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp đầu tư trồng cây thuốc lá nghiêm túc và bài bản.