Giá gas hôm nay 22/12: Phủ sắc xanh trong phiên giao dịch
Châu Âu đã đạt được một thành công lớn là tích trữ đủ khí đốt cho mùa đông năm nay, tuy nhiên, năm tới có thể sẽ khó khăn hơn nhiều đối với các nước trong khu vực nếu nguồn cung khí đốt Nga tiếp tục thắt chặt.
Hệ thống đường ống khí đốt |
Hệ thống năng lượng của châu Âu cũng đã trải qua “bài kiểm tra” thực sự đầu tiên trong tháng 12 này, khi luồng không khí lạnh từ Bắc Cực tràn xuống. Lượng khí đốt trong các bể dự trữ đã bắt đầu giảm xuống, còn 84%. Thậm chí, ngay cả khi hàng tồn kho vẫn đang đầy và đủ cung cấp, thì châu Âu vẫn dễ bị tổn thương trước những đợt rét đậm hoặc gián đoạn nguồn cung kéo dài.
Theo số liệu từ cơ quan nghiên cứu kinh tế châu Âu Bruegel được Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố, tổng chi phí năng lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp ở châu Âu năm nay đã tăng thêm 1,06 nghìn tỷ USD.
Đặc biệt, mới đây, những lo lắng càng tăng thêm khi một vụ nổ lớn đã xảy ra tại đường ống dẫn khí đốt Urengoi-Pomary-Uzhhorod. Vụ nổ xảy ra do rò rỉ khí gas khi bảo trì đường ống. Đường ống được xây dựng từ những năm 1980 và hiện thuộc quyền sở hữu và vận hành của tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga.
Đường ống này sẽ dẫn dòng khí đốt xuất khẩu của Nga từ Bắc Cực tới trạm trung chuyển Sudzha, đi vào lãnh thổ Ukraine. Đây hiện là tuyến đường ống chính để vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu.
Trước khi xảy ra vụ nổ, Gazprom cho biết họ dự kiến bơm 32 triệu mét khối khí đốt tới châu Âu thông qua trạm trung chuyển Sudzha trong 24 giờ, tương đương lượng được vận chuyển trong những ngày gần đây.
Theo Bloomberg, Đức đã cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga từ 55% vào năm ngoái xuống mức 20% trong năm 2022.
Điều này xảy ra trong bối cảnh nhập khẩu năng lượng hóa thạch từ Nga sang Liên minh châu Âu (EU) giảm đáng kể do các lệnh trừng phạt, cùng với đó là các sự cố trên hệ thống dẫn khí đốt dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) từ Nga đến Đức chạy dưới biển Baltic vào tháng 9/2022.
Theo Hiệp hội các ngành công nghiệp năng lượng và nước (BDEW) của Đức, Đức đã bù đắp cho việc giảm nguồn cung của Nga bằng cách tăng nhập khẩu từ Hà Lan, Bỉ và Pháp. Đức đã khai trương trạm nhập LNG nổi đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven ở biển Bắc, và 4 kho cảng khác sẽ được triển khai trong những tháng tới.
Các trạm nhập LNG sẽ giúp đảm bảo rằng nguồn cung cấp năng lượng của Đức không phụ thuộc vào các đường ống dẫn từ Nga. Tuy nhiên, việc vận chuyển LNG dự kiến sẽ tốn kém hơn nhiều so với khí đốt qua đường ống của Nga.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/12 giá gas tiếp tục tăng. Theo đó, trung bình mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng tăng từ 13.000-14.000 đồng, loại 45kg tăng 52.000-53.000 đồng/bình, tùy thương hiệu, so với tháng trước.
Cụ thể, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/12, giá bán gas SP tăng 1.083 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), tức tăng 13.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg của thương hiệu này là 438.000 đồng/bình 12kg.
Thương hiệu gas City Petro cũng thông báo từ 1/12, các sản phẩm của thương hiệu gas này tăng 7.000 đồng/bình 6kg, 14.000 đồng/bình 12kg, 52.500 đồng/bình 45kg và 58.500 đồng/bình 50kg.
Với mức tăng này, giá bán lẻ của gas City Petro đến tay người tiêu dùng không vượt quá mức 259.500 đồng/bình 6kg, 461.500 đồng/bình 12kg, 1.730.500 đồng/bình 45kg và 1.922.000 đồng/bình 50kg.
Tại Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam, từ 1/12, giá gas của công ty này tăng 14.000 đồng/bình 12kg và tăng hơn 52.500 đồng/bình 45kg. Như vậy, giá gas bán lẻ của công ty này đến tay người tiêu dùng là hơn 442.000 đồng/bình 12 kg, còn bình 45kg là hơn 1.660.000 đồng/bình.
Giá gas Petrolimex bán lẻ tại thị trường Hà Nội từ 1/12 tăng 13.200 đồng/bình 12kg và tăng 52.800 đồng/bình 48kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Vì vậy, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tương ứng là 440.900 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.763.600 đồng/bình công nghiệp 48kg.
Theo thông báo của Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí Miền Nam (Gas South), từ ngày 1/12, giá gas bán lẻ của thương hiệu này tăng 1.167 đồng/kg gas so với tháng trước (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương tăng 14.000 đồng/bình 12kg và tăng 52.515 đồng/bình 45kg.
Chi hội Gas miền Nam cho biết, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 12 là 650 USD/tấn, tăng 40 USD/tấn so với tháng trước đó. Trước tình hình giá gas thế giới tăng đã kéo theo giá gas bán lẻ trong nước tăng và trong giai đoạn cận Tết 2023 nhu cầu tiêu dùng tăng cao.