Giá gas hôm nay 1/6: Thế giới và trong nước đồng loạt giảm
Ghi nhận vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam), giá gashợp đồng tương lai giao dịch ở mức 2,316 USD/mmBTU, giảm 0,011 USD/mmBTU, tương đương giảm 0,47%.
Nhu cầu về khí đốt tự nhiên ở châu Âu hiện đang sụt giảm sau khi mùa sưởi ấm mùa Đông kết thúc và nhu cầu điện cao điểm vào mùa hè vẫn chưa bắt đầu. Tiêu thụ khí đốt từ ngành công nghiệp, vốn đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn vào mùa Thu và mùa Đông năm ngoái, cũng yếu đi.
Các nhà phân tích cho biết, mặc dù giá khí đốt giảm, nhưng mức tiêu thụ nhiên liệu công nghiệp vẫn chưa tăng lên, mặc dù có thể những người tiêu dùng năng lượng công nghiệp lớn đang chờ giá khí đốt giảm thêm.
Đầu tuần này, Goldman Sachs cho biết, việc giảm giá hơn nữa có thể chạm mức giá sàn vì nhiều nhà máy điện có thể chuyển sang sử dụng khí đốt từ than đá.
Đường ống dẫn khí |
Theo cơ quan Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), mức dữ trự khí đốt tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu hiện đạt trên 66% khả năng lưu trữ. Các bể chứa của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đồng thời là quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt nhất của "lục địa già", hiện đạt tỷ lệ dự trữ lên tới 73%.
Châu Âu trước đây đã đáp ứng khoảng 2/5 nhu cầu khí đốt của mình thông qua nhập khẩu năng lượng từ Nga. Theo dữ liệu sơ bộ từ Ủy ban châu Âu, nhập khẩu khí đốt của Nga trong tháng 3 thấp hơn 74% so với cùng kỳ.
Tờ Financial Times đưa tin, nhu cầu về khí đốt ở châu Âu sẽ giảm nhiều hơn tổng lượng nhập khẩu của khối này từ Nga trong năm nay. Hiện tại phần lớn lượng khí đốt bị cắt giảm tới từ các nước công nghiệp phát triển nhất tại châu Âu.
Cụ thể, mức tiêu thụ khí đốt sẽ giảm 60 tỷ m3 vào năm 2023 so với mức trung bình trong 5 năm qua. So với con số mà các quốc gia châu Âu đã cắt giảm vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng vào năm 2022 cũng lớn hơn (52 tỷ m3).
Ủy viên Năng lượng châu Âu Kadri Simson đã tuyên bố tại một cuộc họp mới đây rằng, mùa Đông 2022 dễ chịu hơn tại châu Âu là một trong những nguyên nhân giúp cho sản lượng tiêu thụ khí đốt của khối này giảm mạnh. Cũng trong khoảng thời gian đó, việc giá khí đốt tăng cao khiến cho các ngành sử dụng nhiều năng lượng cũng đã thu hẹp sản xuất.
Tại thị trường trong nước, do giá gas thế giới tháng 6 chốt ở mức 445 USD/tấn, giảm 110 USD/tấn so với tháng 5 nên các doanh nghiệp điều chỉnh giảm theo.
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1/6, giá gas của Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương sẽ giảm 35.500 đồng/bình 12 kg và 148.000 đồng/bình 50 kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 403.000 đồng/bình 12 kg và 1.678. 000 đồng/bình 50 kg.
Tương tự, Công ty Cổ phần kinh doanh gas LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam, giá gas giảm 35.000 đồng/bình 12kg và 131.250 đồng/bình 45kg. Giá bán lẻ đến người tiêu dùng 384.912 đồng/bình 12kg và 1.443.000 đồng/bình 45kg.
Các sản phẩm gas bán lẻ mang thương hiệu City Petro cũng giảm 2.968 đồng/kg. Như vậy, bình gas loại 12kg của City Petro sẽ giảm 35.500 đồng/bình, loại bình gas 45kg sẽ giảm đến 133.500 đồng/bình.
Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết, mức giá giảm này đúng như dự báo.
Như vậy, sau khi giá giảm đến 58.000 đồng/kg hồi tháng 4, đây là tháng thứ 2 giá gas tiếp tục giảm. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas có bốn tháng giảm và 2 tháng tăng.