Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất thế giới do đâu?
Giá gạo xuất khẩu duy trì ổn định
Trong khi giá gạo Thái Lan liên tục hạ nhiệt thì gạo cùng loại của Việt Nam vẫn duy trì ổn định ở mức cao. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần này, giá gạo của Thái Lan đã tụt xuống khỏi ngưỡng 400 USD/tấn đối với cả 3 loại gạo 5%, 25% và 100% tấm. Trong khi đó, giá gạo của Việt Nam ổn định và đang ở mức cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hiện nay.
Cụ thể, ngày 28/7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang giao dịch ở mức 413 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 15 USD/tấn, hơn gạo Ấn Độ 70 USD/tấn, hơn gạo Pakistan 45 USD/tấn. Còn với gạo 25% tấm, gạo của Việt Nam ở mức 393 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại Thái Lan 4 USD/tấn, hơn gạo cùng loại Ấn Độ 65 USD/tấn và hơn gạo Pakistan 43 USD/tấn.
Với gạo 100% tấm, gạo của Việt Nam ở mức 383 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan lần lượt 11 USD/tấn, 55 USD/tấn và 35 USD/tấn.
Ông Phan Văn Có – Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho rằng, do ảnh hưởng xung đột giữa Nga - Ukraine nên thị trường lương thực thế giới đang biến động mạnh. Nguồn cung lương thực khan hiếm, tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa, những năm gần đây, Việt Nam đã đổi mới cơ cấu giống lúa và tăng gạo dẻo, gạo thơm, gạo đặc sản như dòng lúa OM490, OM 6979, hạn chế sản xuất gạo tấm. Các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác ngày càng nhiều đã giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt ở nhiều thị trường “khó tính”. Điều này lý giải vì sao giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước xuất khẩu truyền thống, nhưng người tiêu dùng thế giới vẫn chọn ký hợp đồng nhập khẩu gạo Việt.
Xuất khẩu gạo đang có nhiều tín hiệu tốt từ thị trường |
Vài năm trở lại đây, dòng gạo thơm, gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25, Jasmine… đã đi được vào một số thị trường lớn như EU, giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn, đặc biệt là tại các thị trường truyền thống như Đức, Italy, Ba Lan… Nhờ vậy, gạo Việt Nam có sức hút trên thị trường và có được giá tốt.
Giá gạo sẽ tiếp tục tăng tại các thị trường khó tính
Đánh giá về thị trường nửa cuối năm, ông Phan Văn Có cho biết, thị trường xuất khẩu gạo 6 tháng tới là vẫn sẽ giữ ở mức ổn định. Tuy nhiên, những thị trường không sử dụng đồng USD có thể sẽ giảm nhập khẩu. Nguyên nhân là do hiện nay đồng USD có giá cao khiến khách mua hàng phải trả mức giá cao hơn. “Khách hàng nhập hàng về với mức giá cao, trong khi giá bán ra không tăng thì họ sẽ không có lời. Điều này khiến khách hàng sẽ giảm nhập khẩu”, ông Phan Văn Có bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời dự báo, tình hình 6 tháng cuối năm vẫn ổn định nhờ nhu cầu có thề từ các quốc gia nhập nhiều gạo như Philipines, Trung Quốc và mới đây là EU.
Nói rõ hơn về điều này, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, hiện Philipines đang thay đổi chính phủ nhưng lượng tồn kho ở quốc giá này còn thấp. Bên cạnh đó, gạo Việt Nam phù hợp với người dân Philipines. Ngoài ra, việc vận chuyển từ Việt Nam sang Philipines cũng nhanh và khá tiện lợi.
Với thị trường Trung Quốc, do đang bị ảnh hưởng của lũ lụt nên nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn ở mức cao, tuy nhiên có thể mức nhập khẩu của quốc gia này sẽ ít hơn Philippines.
Trong khi đó, với thị trường EU, hiện nay chiến tranh giữa Nga và Ukraine làm cho lúa mỳ bị thiếu hụt, giá lương thực tại Châu Âu ở mức cao khiến khách hàng chuyển dịch sang mua gạo từ châu Á để bù đắp sản lượng thiếu hụt. “Về giá, xu hướng 6 tháng cuối năm giá của các thị trường thông dụng như Philipines, Trung Quốc thì sẽ không tăng nhưng giá đi các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, các quốc gia Nam Mỹ sẽ tăng đột biến”, ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.