Giá gạo Việt tiếp đà giảm sâu, gạo Thái Lan ngược chiều tăng
Các dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 4/3, giá gạo xuất khẩu của các nguồn cung trên thế giới biến động trái chiều.
Theo đó, trong khi giá gạo các loại của Việt Nam và Pakistan giảm thì gạo của Thái Lan lại bất ngờ tăng nhẹ.
Giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm |
Cụ thể, ở phân khúc gạo tiêu chuẩn 5% tấm, gạo Việt giảm 16 USD, xuống còn 578 USD/tấn. Gạo cùng phẩm cấp của Pakistan giảm 7 USD, xuống mức 599 USD/tấn. Riêng gạo của Thái Lan tăng 4 USD, lên mức 613 USD/tấn. Với mức giảm hiện nay, giá gạo của Việt Nam thấp hơn Thái Lan 35 USD/tấn và Pakistan 21 USD/tấn, trong khi năm 2023 giá gạo Việt Nam có lúc cao hơn Thái Lan đến gần 100 USD/tấn.
Tương tự, ở phân khúc gạo 25% tấm, giá gạo Việt cũng giảm 15 USD, xuống 555 USD/tấn; gạo Pakistan giảm 6 USD, còn 562 USD/tấn; trong khi đó gạo Thái ghi nhận mức tăng 4 USD, lên 561 USD/tấn.
Ở phân khúc 100% tấm, trong khi gạo các nước giữ nguyên hoặc tăng nhẹ thì gạo Việt Nam giảm mạnh tới 20 USD/tấn. Giá sau điều chỉnh hiện gạo Việt còn 478 USD/tấn, gạo Thái Lan 484 USD/tấn (tăng 2 USD), gạo Pakistan ở mức 464 USD/tấn.
Trong các chia sẻ gần đây, nhiều doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân giá gạo giảm do các nước đang vào vụ thu hoạch, nhà nhập khẩu chờ giá xuống mới mua vào. Việc này đã kéo giá lúa tại nội địa giảm mạnh trong những ngày cuối tháng 2/2024. Hiện tại dù giá đã tăng trở lại song vẫn thấp hơn nhiều so với mức sau Tết.
Với những biến động trên thị trường lúa gạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.
Tại Chỉ thị nêu rõ, hiện nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa vụ Đông Xuân nhưng có hiện tượng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống thấp còn người dân mong muốn bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023; nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.
Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh, minh bạch, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường có nhiều biến động, hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững, hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường theo dõi, cập nhật, dự báo, cung cấp thông tin, diễn biến tình hình sản xuất và thị trường lúa, gạo trong nước và thế giới tới các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp
Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo: thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất và dự trữ lưu thông theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; có giải pháp thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu và triển khai các giải pháp truy xuất nguồn gốc; chủ động theo dõi tình hình thương mại gạo toàn cầu, động thái của các nước xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ của các nước nhập khẩu, tính toán phương án kinh doanh đảm bảo hài hòa giữa lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người sản xuất; xây dựng kế hoạch cụ thể từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh…